Dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu của nước này trong tháng 10 đã vượt qua sự mong đợi của thị trường đạt hơn 218 tỷ USD. Trong đó, các sản phẩm nhập khẩu về năng lượng, khoáng sản, hay nông sản đều đạt kết quả tích cực, đạt mức tăng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Heron Lim - Chuyên gia phân tích của Moody's Analytics cho biết: "Những số liệu nhập khẩu khả quan phần nào phản ánh những biện pháp kích thích của chính phủ đang thực sự tạo ra tác động tích cực với phân khúc tư nhân cũng như đại chúng. Nếu phân tích sâu, lượng nhập khẩu này phản ánh sự chuẩn bị của Trung Quốc cho những tháng mùa đông sắp tới.
Thực tế là nhu cầu về điện của Trung Quốc ngày càng tăng. Một số khu vực đã xảy ra tình trạng thiếu điện vào năm 2021. Kể từ đó, giới chức Trung Quốc luôn trong tâm thế chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất, hay hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra có thế ảnh hưởng đến nhu cầu dự trữ năng lượng. Do vậy, Trung Quốc gia tăng nhập khẩu dầu thô, than đá, khí đốt tự nhiên để đảm bảo nguồn cung điện được liên tục trong những tháng mùa đông.
Còn về quặng sắt nhập khẩu gia tăng. Đây là một trong những vật liệu xây dựng chủ chốt cho thấy nhu cầu nội địa cho việc sản xuất thép tại Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng. Đậu nành nhập khẩu cũng tăng lên, theo tôi là vì để phục vụ cho nhu cầu trong những tháng cuối năm, đặc biệt khi kỳ nghỉ lễ quan trọng của Trung Quốc - Tết Nguyên đán đang đến gần. Rất nhiều kỳ vọng rằng trước số liệu nhập khẩu khả quan, đây sẽ phản ánh nhu cầu và nền kinh tế nội địa của Trung Quốc đang mạnh lên".
Nhập khẩu Trung Quốc trong tháng 10 bất ngờ tăng. Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN giữ vững ngôi vị là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc với kim ngạch thương mại 10 tháng lên đến hơn 720 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của ASEAN sang Trung Quốc đã tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt trội so với nhiều khu vực khác.
"Đây là một bức tranh tích cực cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Trung Quốc, đặc biệt các bộ phận điện tử. Đây có thể là tín hiệu cho thấy chuỗi cung ứng đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất.
Tuy nhiên quá trình phục hồi vẫn còn chặng đường dài phía trước. Nhưng việc Trung Quốc ngày càng tăng lượng nhập khẩu các bộ phận từ Việt Nam cho thấy Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện hồi phục của chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Heron Lim - Chuyên gia phân tích của Moody's Analytics đánh giá.
Trong báo cáo mới nhất, Moody's Analytics dự báo Trung Quốc có thể đạt được mức tăng trưởng 5,2% trong tháng 11 vì nhiều lý do như số liệu kinh tế quý III tốt hơn dự kiến, hay một số khoản chi tiêu được chính phủ Trung Quốc thông qua vào cuối tháng 10.
Ngoài ra, tiềm năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong nước cũng phát đi tín hiệu rằng Trung Quốc có thể sẽ đạt được mua tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.55340435180113202-nas-gnon-nas-gnaohk-gnoul-gnan-uahk-pahn-gnat-couq-gnurt/et-hnik/nv.vtv