Nhiều nơi chưa nhận bản sao điện tử từ bản chính
Ngày 8.11, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm và giải quyết tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.
Theo báo cáo, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã được hình thành bước đầu từ dữ liệu đăng ký hộ tịch trên phần mềm và dữ liệu số hóa. Cả nước đã có 2,4 triệu giấy tờ được chứng thực điện tử.
Hiện nay, phần lớn các cơ quan, tổ chức chưa tiếp nhận bản sao điện tử từ bản chính. Vì vậy, người dân không có nhu cầu thực hiện thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính do không hiệu quả.
Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc quy định và thực hiện thủ tục hành chính chưa thống nhất. Nhiều văn bản quy định giấy tờ phải nộp trong thành phần hồ sơ là bản sao có chứng thực, mà không theo hướng người dân có quyền lựa chọn nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực, hoặc nộp bản sao xuất trình bản chính để đối chiếu, theo quy định tại điều 6 của Nghị định số 23 năm 2015 của Chính phủ.
Một số sở tư pháp đã chủ động tham mưu UBND cấp tỉnh, ban hành văn bản chấn chỉnh lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực từ bản chính, bản sao từ sổ gốc đối với giấy tờ, văn bản.
Cạnh đó, phần mềm hỗ trợ thực hiện chứng thực bản sao điện tử còn nhiều vướng mắc, chưa được xử lý. Một số công chức làm công tác chứng thực còn nhầm lẫn giữa chứng thực chữ ký, với chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Trong thời gian tới, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động người dân trong việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Tham mưu UBND cấp tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn không yêu cầu nộp bản sao chứng thực trong giải quyết thủ tục hành chính.
Bỏ thủ tục cấp bản chính bằng giấy?
TP.HCM thực hiện khá nhanh số hóa, cũng như hoàn thiện thủ tục hành chính trên môi trường trực tuyến. Theo ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch, quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM, thì hiện TP đã thực hiện xong hộ tịch về khai sinh, khai tử, kết hôn và truy nhận cha cho con được hơn 10 triệu dữ liệu và đã chuyển thành công lên hệ thống dữ liệu của Bộ Tư pháp, còn tồn trên 500 dữ liệu có sai sót thông tin.
"Chúng tôi đề xuất, những địa phương nào có dữ liệu "sạch" như vậy cho phép cùng chia sẻ dữ liệu, để cùng truy cập và sử dụng", ông Lưu nói.
Cũng theo ông Lưu, tại một số bệnh viện đã cấp giấy chứng sinh, giấy báo tử điện tử, và thông báo không cung cấp bản chính nữa. Do đó, nếu buộc công dân phải nộp bản giấy thì gây phiền hà cho người dân.
Theo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bản điện tử chỉ có thể khai thác sử dụng trên môi trường điện tử, khi in bản điện tử ra chỉ là bản giấy, không có giá trị pháp lý. "Vậy hiện nay chúng ta đã hoàn toàn sử dụng thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hay chưa? Để tránh ảnh hưởng đến công việc của người dân. Ngay sau đó, Bộ Tư pháp đã trao đổi với Bộ Y tế, thì nhận được phản hồi đã cấp bản giấy cho người dân", đại diện Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, cho hay.
Đã kết nối chia sẻ dữ liệu, nhưng chưa cập nhật
Theo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa được triển khai theo tiến độ mong muốn. Việc này đã ảnh hưởng đến thực hiện liên thông thủ tục hành chính, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu hộ tịch.
Phần mềm liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính (đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí) có thời điểm bị gián đoạn, lỗi và chưa có tính năng thanh toán trực tuyến.
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa cập nhật, tiếp nhận thông tin từ hộ tịch điện tử đối với trường hợp thông tin công dân có sự thay đổi. Do đó, dẫn đến thông tin không thống nhất, ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân…