Phải đặt cọc sau khi đấu giá để ràng buộc trách nhiệm
Chiều 8-11, Quốc hội thảo luận tổ về sửa đổi Luật Đấu giá tài sản. Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng theo dự án luật, mức giá khởi điểm khá thấp.
“Chẳng hạn về đấu giá số điện thoại, mức giá khởi điểm chỉ khoảng 262.000 đồng là quá thấp và là số lẻ”, ông Cảnh nêu.
Nêu thực tế một số tài sản giá khởi điểm thấp nhưng giá trúng cao đến vài nghìn lần, ông Cảnh đề nghị điều chỉnh lại mức giá linh hoạt hơn. Đồng thời bổ sung thêm mức giá theo % ngoài mức giá tối đa, tối thiểu, cố định trong dự luật.
“Thực tế, trong đấu giá biển số ô tô, có nhiều biển được trả rất cao. Nhiều biển lên đến hàng tỉ nhưng người sau có khi chỉ cần thêm 5 triệu đồng là đã thắng. Như vậy rất vô lý.
Khi đã ở mức 1 tỉ đồng, giá sau cần trả cao hơn khoảng 50 triệu đồng như vậy mới hợp lý”, ông Cảnh nêu quan điểm và cho rằng “người ta đã sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ đồng thì không chi li lắt nhắt vài triệu đồng”.
Đại biểu Nguyễn Hải Trung (giám đốc Công an Hà Nội) nói thực tế thời gian qua cho thấy vẫn còn tình trạng người đấu giá trả giá cao rồi "bùng", gây khó khăn cho các cơ quan tổ chức đấu giá.
Vì thế, ông kiến nghị trong dự thảo luật cần nghiên cứu tiếp thu việc quy định phải đặt cọc sau khi đấu giá để ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá.
Theo đại biểu Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc), việc quy định tiền cọc hiện thấp nên ở những vụ đấu giá đất Thủ Thiêm hay đấu giá biển số xe, giá trị tiền cọc rất nhỏ so với tiền trúng đấu giá. Có hợp đồng trúng đấu giá cao nhưng bỏ cọc ảnh hưởng tới quản lý nhà nước về đấu giá và tác động không lường đến quản lý kinh tế.
Do đó, ông đề nghị bổ sung thêm điều phạt hợp đồng trong trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc.
"Việc này là để người tham gia đấu giá phải hết sức có trách nhiệm, chứ không phải một phút bốc đồng lên rồi bỏ", ông Hiếu đề nghị.
Tăng mức đặt cọc quá cao sẽ không gọi là đấu giá
Giải trình tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết về quy định tăng tiền đặt cọc, theo thông lệ quốc tế có những thứ còn không quy định tiền đặt cọc. Mặt khác, dự thảo luật đã nâng mức tiền đặt trước với đấu giá quyền sử dụng đất lên tối thiểu 15%, tối đa 20%.
"Chúng ta không thể tăng lên được nữa. Bởi nói cách khác đã tăng thì đã biến chất, chứ không còn gọi là đấu giá nữa, mà là một dạng mua bán tài sản. Nên cân nhắc đi, cân nhắc lại, chúng ta chốt mức như vậy", ông Long nói.
Với những mặt hàng lớn, nếu nâng tiền đặt cọc lên vô hình trung thành hàng rào kỹ thuật loại bớt các doanh nghiệp, cá nhân không có điều kiện tài chính bằng các "anh lớn". Thêm vào đó, với quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản thì tiền đặt cọc chỉ là một yếu tố.
Còn điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào đấu giá quyền sử dụng đất còn được quy định trong các pháp luật chuyên ngành, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai...
Đại biểu Hoàng Văn Liên, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, dẫn ví dụ về việc đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội, giá khởi điểm ban đầu là 24 tỉ đồng, nhưng kết quả trúng đấu giá là 1.684 tỉ đồng, tăng tới 204 lần.
Ông cho rằng theo thông tin báo chí phản ánh, mức chênh như vậy là quá cao, cho thấy việc xác định giá khởi điểm chưa chính xác, phù hợp với thị trường.
Cần rà soát lại quy định, chế tài đấu giá của chúng ta đã đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi người có tài sản, chống trục lợi hay chưa.
Chiều 8-11, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có tờ trình trước Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.