Cần Giờ là huyện duy nhất của TPHCM tiếp giáp với biển, có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng với điều kiện tự nhiên nguyên sơ, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, du lịch biển, đô thị ven biển. Vị trí địa lý huyện Cần Giờ có tiềm năng đặc biệt để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hải, logistics tầm vóc khu vực và quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao với các trung tâm trung chuyển hàng hải hiện tại trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Với ưu thế quỹ đất và không gian phát triển còn lớn, môi trường trong lành, cảnh quan hấp dẫn, việc quy hoạch bài bản, đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế và đô thị huyện Cần Giờ đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh và kết nối với quốc tế có ý nghĩa đột phá, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và vùng Đông Nam Bộ.
Theo dự thảo điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất bổ sung cảng Cần Giờ TPHCM thuộc diện ưu tiên đầu tư thay vì chỉ có như quy hoạch hiện tại. Dự kiến giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh, cảng Cần Giờ sẽ đóng góp trực tiếp cho ngân sách thông qua các khoản thuế, phí ước tính từ 34.000 - 40.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư cho dự án dự kiến gần 5,4 tỷ USD.
Mục tiêu là nâng cảng biển TPHCM từ loại I lên loại cảng đặc biệt tương tự như cảng biển Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; cập nhật dự báo lượng hàng trung chuyển quốc tế phát sinh mới cũng như cập nhật dự báo nhu cầu vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa phát sinh tương ứng. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất quy hoạch bổ sung bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào nhóm cảng biển TPHCM (thuộc nhóm cảng biển số 4). Về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng sẽ đầu tư bằng vốn ngân sách, hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác. Cảng sẽ xây dựng với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, toàn bộ các thiết bị sẽ sử dụng điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chức năng của cảng Cần Giờ là trung chuyển container quốc tế, được quy hoạch với quy mô, lộ trình đầu tư phù hợp với "Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TPHCM" được cấp thẩm quyền phê duyệt. Lượng hàng trung chuyển container quốc tế thông qua bến cảng Cần Giờ khoảng 3,84 triệu TEU đến năm 2030, theo đề án của TPHCM. Dự kiến, bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, với số tiền khoảng 38.500 tỷ đồng.
Về lộ trình, công tác chuẩn bị đầu tư cảng trung chuyển quốc tế sẽ được triển khai từ năm 2023 - 2024. Từ năm 2024 - 2026, triển khai xây dựng và đưa vào khai thác cảng từ năm 2027. Quy mô đầu tư bến cảng đề xuất xây dựng cho tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT, tàu feeder trọng tải từ 10.000 - 65.000 DWT và sà lan trọng tải tới 8.000 DWT. Tổng chiều dài bến chính và bến sà lan lần lượt là 6,8km và 1,9km.
Các bến cảng tiềm năng này có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TPHCM, vùng phụ cận; có bến tổng hợp, container, hàng rời, bến khách quốc tế được phát triển đồng bộ với hạ tầng giao thông kết nối cảng; tiếp nhận tàu trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu khách 225.000 GT. Từ cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể khai thác lợi thế vận tải đường biển từ châu Á sang châu Âu và châu Mỹ. Về cơ cấu nguồn vốn, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, công trình phụ trợ, trung tâm dịch vụ logistics... sẽ đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp (nhà đầu tư).
Khi dự án đi vào hoạt động sẽ giúp phát triển kinh tế biển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đồng thời, giúp TPHCM giữ vững vị trí trung tâm logistics của khu vực, vươn lên đứng hàng đầu về vận tải biển. Theo đề án, cảng khi hình thành sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Ngoài ra còn tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 nhân viên, lao động tại cảng và hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics...
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, các bến cảng tiềm năng tại huyện Cần Giờ được quy hoạch bên trái luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, khu vực Bình Khánh, cửa sông Ngã Bảy và khu Cù Lao Gò Gia phù hợp với các quy định bảo tồn vùng dự trữ sinh quyển quốc gia. Các bến này sẽ được phát triển đồng bộ với hạ tầng giao thông kết nối cảng, đón tàu trọng tải đến 150.000 tấn, tàu khách 225.000 GT.
Quy mô tăng trưởng của các nhóm cảng biển cũng được điều chỉnh. Với nhóm cảng TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Long An, đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 500 đến 564 triệu tấn, hành khách từ 2,8 đến 3,1 triệu lượt. Dự báo này đã tăng mạnh so với quy hoạch hiện nay là hàng hóa 461-540 triệu tấn, hành khách 1,7-1,8 triệu lượt đến năm 2030. Trong khi quy hoạch hiện tại chưa có quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Sau khi hình thành cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng biển TPHCM sẽ trở thành cảng đặc biệt, tương tự cảng biển Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hiện nay, huyện Cần Giờ còn là huyện khó khăn nhưng giàu tiềm năng. Và mục tiêu là biến Cần Giờ trở thành thành phố vệ tinh, phát triển theo hướng thành phố trong rừng, rừng trong thành phố. Theo đó, việc phát triển cảng quốc tế Cần Giờ là việc làm cấp thiết. Đưa Cần giờ từ khu vực nông thôn trở thành thành phố thông minh, văn minh, sinh thái, hiện đại... của TPHCM và cả vùng Đông Nam Bộ.
Xem thêm: lmth.380551_neib-gnac-hcaoh-yuq-oav-oig-nac-gnus-ob-taux-ed/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc