vĐồng tin tức tài chính 365

10 năm đòi công lý cho người chồng bị cả làng giấu xác

2023-11-09 15:43

Ngày 18/5/2002, khi đang làm việc trên bãi bồi nuôi trồng thủy hải sản ở huyện Hà Phố, tỉnh Phúc Kiến, nông dân tên Vương Hải chợt nhìn thấy một con cua lớn. Đang định bắt, con cua chui xuống bùn mất hút. Hải lấy xẻng, đào sâu gần nửa mét nhưng không thấy con cua nào mà phát hiện một hộp sọ người. Sau khi lấy lại bình tĩnh, anh ta tiếp tục đào bới, cho đến khi một bộ xương hoàn chỉnh lộ ra.

Hải ít học, thiếu ý thức pháp luật nên không nghĩ tới việc báo cảnh sát. Anh ta cho rằng bãi bồi có hài cốt bên dưới nên từ khi nhận thầu nơi này liên tục làm ăn thua lỗ. Hải mời thầy phong thủy tìm nơi chôn cất.

Không lâu sau, tin tức Hải đào ra một bộ hài cốt ở bãi bồi lan truyền khắp các vùng lân cận. Nghe tin, Trần Hiếu Kim, ở thôn Tổ Thác, thị trấn Trường Xuân, kể lại sự việc với chị dâu tên Âu Chu Nhi.

Anh trai Kim là Trần Hiếu Hữu mất tích từ năm 1993. Mọi người đều cho rằng Hữu bị người dân thôn Truyền Lư bắt cóc, đánh chết nhưng thi thể mãi chưa tìm thấy. Kim đưa chị dâu đến nhà Hải, nhưng anh ta không thừa nhận sự việc và từ chối giao hài cốt. Hết cách, Nhi báo cảnh sát.

Sợ rắc rối, Hải nhanh chóng khai ra nơi chôn cất. Cảnh sát ban đầu suy đoán đây là một vụ tự tử hoặc đuối nước, nhưng khả năng này nhanh chóng bị loại trừ sau khi khai quật xương đem đi giám định pháp y.

Kết quả giám định cho thấy thi thể đã biến thành xương trắng hoàn toàn, không còn răng và tóc, thời gian tử vong khoảng 9-10 năm trước. Người chết là nam giới, căn cứ vào tuổi xương có thể xác định tuổi từ 35 đến 45, cao 1,75-1,8 m, tử vong do sốc chấn thương.

Bác sĩ pháp y chỉ ra xương của nạn nhân có nhiều vết gãy, nứt, thậm chí có chỗ nát vụn, chứng tỏ trước khi chết anh ta nhiều lần bị đánh bằng vật cùn như búa, gậy, gạch. Xương bả vai cũng có nhiều vết thương do vật sắc nhọn gây ra.

Những đặc điểm này cơ bản trùng khớp với thông tin về Trần Hiếu Hữu. Nhưng xương bị ngâm trong nước biển nhiều năm, bị ăn mòn nên không thể lấy mẫu ADN. Để xác định danh tính nạn nhân, cảnh sát nhờ chuyên gia phục dựng chân dung qua cấu trúc hộp sọ và đối chiếu hộp sọ với ảnh của Hữu. Sau nhiều bước kiểm nghiệm, cảnh sát xác định nạn nhân chính là Hữu.

Cảnh sát phục dựng chân dung qua cấu trúc hộp sọ và đối chiếu với ảnh của Hữu. Ảnh: CCTV

Cảnh sát phục dựng chân dung qua cấu trúc hộp sọ và đối chiếu với ảnh của Hữu. Ảnh: CCTV

Vụ án 10 năm trước được tái điều tra. Nhờ có thi thể, lần này cảnh sát có thể đến thôn Truyền Lư bắt những người liên quan về đồn điều tra. Họ bị dân làng từ chối hợp tác, gây khó khăn. Chính quyền phải huy động lực lượng lớn để bắt giữ các nghi phạm chính.

Sau hơn hai tháng điều tra, tội ác tập thể xảy ra vào chiều 18/10/1993 được hé lộ.

Cái chết oan vì cuộc chiến giữa hai thôn

Ngày 18/10/1993, người dân hai thôn Tổ Thác và Truyền Lư ở thị trấn Trường Xuân xảy ra tranh chấp bãi bồi dẫn đến hỗn chiến bằng vũ khí. Trong lúc ẩu đả, một người thôn Truyền Lư bị thương nặng và tử vong sau khi đưa đến bệnh viện.

Những tưởng hai bên sẽ bình tĩnh lại sau khi gây chết người, nhưng ngược lại, thôn Truyền Lư cho rằng không thể nuốt trôi cơn tức này nên quyết định trả thù thôn Tổ Thác, đòi "nợ máu trả bằng máu".

Khoảng 17h hôm đó, Trần Hiếu Hữu bắt xe buýt từ thị trấn về nhà ở Tổ Thác. Vì xe sẽ đi qua Truyền Lư, tài xế tốt bụng nhắc nhở Hữu không nên lên xe, lo hai thôn vừa xảy ra xung đột. Tuy nhiên Hữu nói đã mấy năm đi làm ăn không về quê, không hề can dự vào mâu thuẫn giữa hai bên, hơn nữa anh ta có quan hệ khá tốt với dân ở Truyền Lư nên cho rằng sẽ không có việc gì, vẫn quyết định lên xe như thường.

Không ngờ, ở điểm dừng tiếp theo, vài người thôn Truyền Lư lên xe buýt, một trong số đó còn là cán bộ thôn. Họ lập tức nhận ra Hữu và quyết định bắt anh ta về thôn mình để dạy cho một bài học. Sau khi thương lượng, họ uy hiếp tài xế, ép lái thẳng đến Truyền Lư.

Trước khi xe buýt đến cổng thôn, vài đứa trẻ chạy về la hét báo tin. Mọi người cầm gậy gộc, vũ khí lao ra ngoài vì tưởng dân Tổ Thác đến gây rối.

Mấy thanh niên khống chế Hữu xuống xe, cán bộ thôn nói Hữu là dân Tổ Thác, kêu gọi "trả thù" cho người vừa bị đánh chết. Cả đám tức giận lao tới đấm đá Hữu, trói dẫn đi khắp làng, vừa đi vừa dùng nhiều loại công cụ liên tục tấn công. Trong khoảng thời gian này, Hữu cố gắng chạy trốn hai lần nhưng đều bị bắt lại và tiếp tục nhận đòn. Hai giờ sau, Hữu bị dân Truyền Lư đánh đập đến chết.

Lúc này, dân Tổ Thác biết Hữu bị bắt, lập tức phái vài thanh niên đi bắt một người dân Truyền Lư trong thị trấn, định dùng để đổi Hữu về, nhưng họ không biết rằng Hữu đã thiệt mạng.

Sau khi hay tin, bên thôn Truyền Lư lo lắng nếu đối phương biết Hữu đã chết cũng sẽ giết chết con tin trong tay. Theo quyết định của ba "bô lão", họ trói thi thể Hữu vào một tảng đá lớn, lái thuyền ném xuống biển, cố che giấu tội ác.

Khi cảnh sát can thiệp, dân Truyền Lư khẳng định đã thả Hữu đi, còn anh ta đi đâu thì họ không biết. Vì không tìm thấy thi thể và thiếu bằng chứng, cảnh sát không thể buộc tội người dân thôn Truyền Lư.

Người vợ 10 năm tìm thi thể chồng

Sau khi sự việc xảy ra, mọi người đều biết Hữu đã bị thôn Truyền Lư sát hại. Nhưng vợ Hữu là Âu Chu Nhi không chịu tin. Cô như phát điên đòi chạy đến Truyền Lư để hỏi cho rõ ràng nhưng bị người trong thôn ngăn cản, gia đình phải nhốt cô trong phòng vì biết dù có đến đó cũng không thể tìm được Hữu, thậm chí có thể bị đánh chết.

Nhi và chồng là "thanh mai trúc mã", kết hôn năm 18 tuổi và có bốn con sau 20 năm chung sống. Sau khi Hữu bị hại, việc chăm lo cho các con, đứa nhỏ nhất 11 tuổi, và mẹ chồng ngoài 60 tuổi đổ lên đầu Nhi. Người thân nói nếu không phải còn nặng gánh gia đình, có lẽ Nhi đã đi theo chồng từ lâu.

Một thời gian sau, Nhi bắt đầu không ngừng làm đơn khiếu nại lên huyện, đòi công lý cho chồng. Tuy nhiên, cảnh sát đã tìm kiếm mọi ngóc ngách trong thôn Truyền Lư nhưng không thấy thi thể Hữu. Họ cũng đến đây nhiều lần, cố gắng tìm những người liên quan đến vụ án để thẩm vấn, tuy nhiên, dân làng rất bất hợp tác và rất cảnh giác nên mọi cuộc điều tra đều thất bại.

Nhi không bỏ cuộc, hết lần này đến lần khác chạy đến đồn cảnh sát thúc giục điều tra, có khi còn đến trước cổng thôn Truyền Lư gọi tên chồng. Dân Truyền Lư phủ nhận đánh chết Hữu, đe dọa Nhi nếu còn gây rối sẽ đánh chết cô.

Mỗi khi nghe thấy lời uy hiếp này, Nhi không hề sợ hãi mà càng phẫn nộ hơn vì nghĩ đến lời đồn ngày đó Hữu bị cả đám người đánh đập suốt hơn hai tiếng, cho đến khi tắt thở. Nín nhịn nỗi đau, cô thầm thề sẽ đòi lại công lý cho chồng bằng bất cứ giá nào.

Trong ba năm đầu sau khi Hữu qua đời, Nhi luôn mặc quần áo màu trắng, để tang chồng suốt ba năm. Năm 1996, mẹ chồng khuyên cô đi bước nữa, một số người trong thôn còn đề nghị mai mối cho cô. Nhưng Nhi chỉ nói: "Ai có thể báo thù cho tôi, tôi liền lấy người đó".

Suốt 10 năm, Nhi vẫn đều đặn đệ đơn khiếu nại, cô không khóc lóc ầm ĩ mà chỉ giao nộp tài liệu rồi về nhà, nếu không có kết quả thì lần sau lại tiếp tục.

Nhi cũng không hề dừng việc tìm kiếm thi thể chồng. Bất cứ khi nào có thời gian, cô sẽ đến vùng núi, hồ nước xung quanh thôn Truyền Lư để tìm kiếm kỹ càng, hay mỗi khi nghe tin phát hiện thi thể vô danh ở đâu đó, cô sẽ lập tức đi nhận dạng.

Nhi dần trở thành nhân vật nổi tiếng ở huyện Hà Phố. Người dân xúc động trước hành trình tìm chồng gần như điên cuồng của cô trong 10 năm qua, cảm phục người phụ nữ mạnh mẽ này và bắt đầu công khai hoặc bí mật giúp đỡ cô.

Khi Nhi ra biển tìm thi thể, luôn có người cho mượn thuyền miễn phí. Ở đâu phát hiện thi thể, sẽ có người nhắn tin cho cô. Khi Nhi đến ăn cơm, chủ quán nhận ra cô sẽ không bao giờ thu tiền, còn cho cô suất ăn đầy đặn hơn. Trong thôn, hầu hết việc đồng áng của nhà Nhi đều được mọi người chia nhau làm giúp.

Nhi nhận được thư nặc danh từ một người ở thôn Truyền Lư, trong đó kể chi tiết chuyện xảy ra ngày hôm đó, ai là người tham dự chính và thi thể Hữu được vứt ở đâu. Cuối thư, người này còn nói rất áy náy và mong Nhi được an ủi phần nào. Bức thư này dù nói ra chân tướng vụ việc nhưng không đề tên nên chỉ có thể được coi là manh mối phá án, không thể dùng làm bằng chứng.

Trong 10 năm, không chỉ Nhi kiên trì tìm kiếm thi thể chồng mà các con cũng tham gia cùng cô sau khi trưởng thành. Bất chấp gian khổ, mệt mỏi, cả gia đình đều không bỏ cuộc. Sau khi Hữu được tìm thấy, dù chỉ còn là một bộ hài cốt, những đứa trẻ vẫn cảm thấy rằng bố đã trở về.

Tuệ Anh (Theo Sohu, CCTV)

Xem thêm: lmth.9854764-cax-uaig-gnal-ac-ib-gnohc-iougn-ohc-yl-gnoc-iod-man-01/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“10 năm đòi công lý cho người chồng bị cả làng giấu xác”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools