Bamboo Airways bị phong tỏa tài khoản
Thông tin từ Cục Thuế tỉnh Bình Định, đơn vị này vừa ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), trụ sở tại khu số 4 (Khu du lịch biển Nhơn Lý - Cát Tiến, xã Nhơn Lý, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định); địa chỉ nhận thông báo thuế tại tầng 22, tòa nhà Bamboo Airways, số 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Lý do bị cưỡng chế là do Bamboo Airways có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế là 102,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đẩu, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định thông tin trên Tuổi trẻ, các tài khoản của Bamboo Airways sẽ bị phong tỏa tại 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quy Nhơn, Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Bình Định và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam. Đồng thời yêu cầu các ngân hàng nêu trên trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của Hãng hàng không Bamboo Airways để nộp vào tài khoản của Cục Thuế tỉnh Bình Định mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Định.
"Trường hợp số tiền trên tài khoản của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt nhỏ hơn số tiền trên quyết định cưỡng chế thì ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của công ty này trong thời gian quyết định có hiệu lực. Đây là việc bình thường theo quy định của pháp luật. Khi nào Bamboo Airways trả xong nợ thuế, Cục Thuế tỉnh Bình Định sẽ đề nghị các ngân hàng gỡ bỏ phong tỏa tài khoản ngân hàng của Bamboo Airways", ông Đẩu cho biết thêm.
Liên tục thay “tướng” và áp lực với tân CEO
Bamboo Airways cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên vào đầu năm 2019 với tham vọng về một hãng hàng không 5 sao của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Hãng nhanh chóng mở rộng đội tàu bay, mạng đường bay, dịch vụ đi kèm và ngay trong năm đầu tiên hoạt động, Bamboo Airways đã trở thành hãng hàng không tư nhân trong nước đầu tiên khai thác máy bay thân rộng.
Đến cuối năm 2021, với đội bay gần 30 máy bay, mạng bay của Bamboo Airways phủ kín thị trường nội địa với gần 20% thị phần và một số đường bay quốc tế.
Tuy nhiên, kể từ sau khi người sáng lập hãng hàng không Tre Việt - ông Trịnh Văn Quyết - vướng vào lao lý, Bamboo Airways liên tiếp có những thay đổi nhân sự cấp cao và thực hiện nhiều cuộc tái cơ cấu, song tình hình kinh doanh vẫn chưa mấy khả quan.
Theo đó, vào cuối tháng 5/2023, Bamboo Airways bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Hải giữ vị trí CEO hãng bay thay ông Nguyễn Mạnh Quân. Trước đó, ông Quân được bổ nhiệm làm CEO Bamboo Airways vào tháng 7/2022.
Khi mới nhậm chức, tại phiên họp thường niên diễn ra ngày 21/6, ông Hải cho biết Bamboo Airways đang trong quá trình hoàn tất chuyển đổi sở hữu từ nhà đầu tư cũ sang nhà đầu tư mới, việc tái cơ cấu tổ chức sẽ cần thời gian.
Dẫu vậy, ông Hải vẫn cam kết đưa Bamboo Airways đến điểm hòa vốn và có lãi vào năm 2024, dưới thời nhà đầu tư mới là Tập đoàn Him Lam. Theo Dân trí, cựu CEO Bamboo Airways cho hay hãng sẽ tối ưu chi phí trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đồng thời thành lập công ty con trong các lĩnh vực phụ trợ như kỹ thuật bảo dưỡng, suất ăn, đào tạo hàng không… để hướng tới tự chủ công nghệ và con người khai thác. Tuy nhiên, tới ngày 11/7, ông Nguyễn Minh Hải có đơn xin từ nhiệm dù mới nhận vị trí CEO chưa đầy 2 tháng.
Lúc này, vị trí CEO được giao cho ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, kiêm nhiệm. Song chỉ hơn 3 tháng sau, ông Lương Hoài Nam (nguyên Tổng giám đốc Jetstar Pacific ) về thay thế ông Nguyễn Ngọc Trọng.
Trên cương vị CEO Bamboo Airways, ông Lương Hoài Nam cho biết bên cạnh các nhiệm vụ được giao phó, mục tiêu trước mắt của hãng là đưa quy mô đội tàu bay về lại 30 tàu bay, hướng tới nâng lên 50 tàu và nhiều hơn.
Không chỉ vị trí CEO, bộ máy HĐQT của hãng cũng biến động liên tục. Theo Thanh Niên, ngày 11/7, 4 thành viên HĐQT gồm ông Oshima Hideki, Chủ tịch HĐQT người Nhật Bản, Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Ngọc Trọng và hai phó chủ tịch Doãn Hữu Đoàn, Phan Đình Tuệ đã xin từ nhiệm dù mới được bầu trước đó 1 tháng.
Chủ tịch mới của Bamboo Airways được công bố đầu tháng 7 là ông Lê Thái Sâm, người trước đó giữ vai trò thành viên HĐQT. Ông Oshima Hideki giữ chức Phó chủ tịch thường trực HĐQT, ông Lê Bá Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Trọng làm Phó chủ tịch.
Tuy nhiên, sau đó 2 tháng, nhân sự thượng tầng của Bamboo Airways lại tiếp tục thay đổi. Tại phiên họp bất thường hôm 15/9, Bamboo Airways đã trình Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT với ông Hideki Oshima. Đây cũng là phiên họp bất thường lần 3 trong năm nay của hãng hàng không này để xử lý các vấn đề, trong đó có nhân sự cấp cao.
Theo giải thích của Bamboo Airways, những thay đổi nhân sự cấp cao liên tục của hãng này để đáp ứng các điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh của hãng. Song điều này cũng phản ánh những khó khăn của Bamboo Airways trong một năm trở lại đây, khi phải thu hẹp đội máy bay, cắt giảm nhiều đường bay.
Đặc biệt, những biến động nhân sự và nhiều cái tên mới xuất hiện cũng liên quan đến sự thay đổi "ông chủ" - nhà đầu tư của Bamboo.
Thời điểm sau tháng 7/2022, khi người sáng lập Bamboo Airways là ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, đã có nhà đầu tư tiếp quản hãng bay này. Sau đó, cái tên này lộ diện với sự xuất hiện của ông Dương Công Minh với vai trò cố vấn cấp cao của Bamboo Airways. Công ty CP Him Lam của ông Minh cũng được biết đến đã cho Bamboo Airways vay gần 8.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhà đầu tư của Bamboo Airways tiếp tục có sự thay đổi. Ngân hàng Sacombank - chủ nợ lớn của Bamboo Airways đã xúc tiến tham gia đầu tư vào hãng này.
Ông Phan Đình Tuệ, người giữ vị trí Phó chủ tịch thường trực HĐQT Bamboo Airways từng làm Phó tổng giám đốc Sacombank từ năm 2012, và hiện vẫn giữ vai trò thành viên HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2022 - 2026.
Tại cuộc họp đại hội cổ đông bất thường vào tháng 9, ông Tuệ cho biết, Sacombank đang tham gia tài trợ lớn vào Bamboo Airways cũng như quá trình tái cấu trúc của hãng hàng không này.
Thời gian gần đây, Bamboo Airways đã giảm tần suất, thậm chí hủy nhiều chuyến bay cả trong nước và quốc tế. Mới nhất, hãng này sẽ dừng khai thác đường bay từ Việt Nam đến Đức và Úc kể từ ngày 4/11.
Trước đó vào giữa tháng 7, có thông tin về văn bản xin bảo hộ phá sản của Bamboo Airways. Nhưng sau đó, hãng này đã bác tin phá sản, dù cho biết đang gặp khó khăn giống các hãng hàng không khác do nhiều yếu tố. Riêng Bamboo Airways đang phải đối mặt với một số khó khăn tài chính.
Dù chưa từng công bố chính thức, song Bamboo Airways đang cắt giảm dòng máy bay thân rộng Boeing 747 của hãng này, với lý do đội máy bay thân rộng bay quốc tế chưa hiệu quả. Tuy nhiên, việc giảm đội máy bay thân rộng cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải cắt giảm các đường bay đi châu Âu hay Úc mà hãng mới chính thức bay chưa lâu.
CEO mới được bổ nhiệm Lương Hoài Nam, đã có những phát ngôn khá tự tin trong ngày đầu nhậm chức. Ông cho biết "quá trình tái cấu trúc Bamboo Airways đã và đang diễn ra với đường hướng rõ ràng và đúng đắn". Thậm chí, ông đánh giá đây là dự án tái cấu trúc toàn diện nhất, chiến lược nhất, sâu rộng nhất trong lịch sử hàng không Việt Nam. Để hãng sớm ổn định hoạt động, mở ra cơ hội phát triển, ông Nam đã đặt mục tiêu đưa quy mô đội về lại 30 máy bay, hướng tới nâng lên 50 chiếc và nhiều hơn. Song, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường hàng không hiện nay và tình hình tài chính căng thẳng, hoạt động của Bamboo Airways có tích cực trở lại hay không, không dễ trả lời.
Minh Hoa (t/h)