Hoạt động này nằm trong hành trình về nguồn "Côn Đảo - Vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc" do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức trong ba ngày, từ 9 đến 11-11.
Tham dự buổi giao lưu có ông Phan Nguyễn Như Khuê - trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, ông Lê Văn Minh - phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu...
Cùng đó là các văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, soạn giả Cao Đức Trường, nghệ sĩ Mỹ Uyên, Quỳnh Liên, Hạnh Thúy, Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Văn Chung, Dương Quốc Hưng, Đoàn Đại Hòa, Thùy Trinh, Duyên Huyền, Kim Liên, Ngọc Hà, Tánh Linh, MC Quỳnh Hoa, MC Cổ Tấn Minh Quang...
Thêm chất liệu sáng tác từ những chuyến về nguồn
Chương trình giao lưu mang đến những ca khúc hào hùng, ghi nhớ công lao to lớn của bao thế hệ cha anh, ngợi ca nữ anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu như: Linh thiêng Việt Nam, Khúc hát tri ân, Biết ơn chị Võ Thị Sáu…
Đặc biệt, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng mang đến ca khúc Hồn thiêng bất tử do anh phổ nhạc từ thơ của tác giả Thanh Tú. Hỗ trợ múa minh họa ca khúc này cho Nguyễn Phi Hùng có các thành viên của đội tình nguyện viên nghệ sĩ thành phố.
Nguyễn Phi Hùng nói ca khúc này hướng về cội nguồn, tri ân các anh hùng đã phải hy sinh trên đất mẹ.
Các thành viên trong đoàn được truyền cảm hứng từ những câu chuyện kể sống động từ soạn giả Cao Đức Trường - cựu tù Côn Đảo và nhạc sĩ Trần Xuân Tiến.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh hành trình về nguồn "Côn Đảo - Vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc" nhắc nhở mỗi chúng ta mãi mãi không quên về những tấm gương anh hùng, bất khuất, hiên ngang của các chiến sĩ cách mạng trước sự tra tấn dã man, tàn bạo của thực dân, đế quốc tại nơi này năm xưa.
Hành trình về nguồn còn là cơ hội để chúng ta cảm nhận lại những bài học lịch sử trong từng thớ đất, con người, trong từng ngọn cỏ, cành cây nơi đây còn lưu giữ máu đào của bao thế hệ cha anh đi trước đã ngã xuống.
"Qua chuyến hành trình này hy vọng văn nghệ sĩ có thêm nhiều chất liệu, nhiều cảm xúc để sáng tác những tác phẩm có giá trị lịch sử cách mạng nhằm tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau biết ơn, ghi nhớ và tôn vinh những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước" - ông Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ.
Bình Tinh tái hiện nhân vật anh hùng qua cải lương
Nghệ sĩ Bình Tinh đại diện cho các văn nghệ sĩ phát biểu tại buổi giao lưu. Cô cho biết là nghệ sĩ được trải nghiệm nhiều nơi, nhiều chuyến đi nhưng chuyến đi này rất ý nghĩa, có nhiều cái đầu tiên mà cô được biết, được chạm tới.
Nữ nghệ sĩ nói: "Lần đầu tiên tôi được nghe thật rõ, tường tận về lịch sử đấu tranh của ông cha ta; lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy, tận tai nghe cựu tù chính trị Côn Đảo cũng là nghệ sĩ lĩnh vực cải lương; lần đầu tiên thắp nhiều nén hương trên những ngôi mộ chưa biết tên…
Tôi nhận thấy mình may mắn sinh ra khi đất nước hòa bình, được tự do thỏa sức mình với niềm đam mê nghệ thuật”.
"Với truyền thống gia đình ba đời theo nghiệp cải lương, tôi đã từng tái hiện những vở cải lương, những nhân vật anh hùng của đất nước, những tuồng tích để phục vụ khán giả, nhưng hôm nay tôi nhận thấy rõ ràng hơn sứ mệnh của người nghệ sĩ.
Càng thấu hiểu tôi càng phải cống hiến và sống xứng đáng hơn nữa với sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước. Tôi xin nguyện luôn giữ gìn và phát huy truyền thống gia đình, dùng nghệ thuật cải lương để góp phần làm cho dân ta phải biết sử ta".
Dịp này, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM trao 40 phần quà cho các gia đình chính sách, khó khăn trên địa bàn huyện Côn Đảo. Tổng kinh phí 67 triệu đồng, do các văn nghệ sĩ TP.HCM đóng góp.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói tận mắt tham quan nhà tù, nhìn những hình ảnh phục dựng mới thấy được tội ác dã man, những điều kiện sống không thể tưởng tượng mà nhiều chiến sĩ yêu nước phải trải qua nhưng vẫn giữ lý tưởng cách mạng...