Có thể "lợi bất cập hại"
Một trong các chính sách được Chính phủ đề xuất nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia các dự án (DA) giao thông đường bộ đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) lên tối đa 70% thay vì 50% như luật hiện hành để thu hút nhà đầu tư (NĐT) cho loại DA này. Chính phủ cũng trình kèm theo dự thảo nghị quyết danh mục các DA dự kiến áp dụng thí điểm chính sách này.
Trong phần thảo luận, nhiều đại biểu (ĐB) đồng tình với việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước lên tối đa 70%. ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) dẫn 2 DA đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tới nay phần vốn nhà nước mới chỉ tham gia lần lượt là 38% và 37%. "Phải nói chưa thực sự chia sẻ rủi ro cho NĐT", ông Tạo nói và cho biết tới nay các DA vẫn chưa thể khởi công, NĐT không thể nào chờ mãi chủ trương và sự đồng ý của nhà nước được.
Hai ĐB đoàn Thái Bình là Lại Văn Hoàn và Phan Đức Hiếu thì đề xuất nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia lên tối đa 80%. Lý do của ĐB Hoàn là DA đường bộ ven biển Thái Bình đang được triển khai với phần vốn nhà nước theo phê duyệt là 66,7% nhưng thực tế đã tăng lên 80% nên nếu chỉ tăng lên 70% cũng không tháo gỡ được các vướng mắc. Còn ĐB Hiếu thì lập luận, tỷ lệ 80% sẽ tạo "dư địa" cho các địa phương đàm phán với các NĐT chứ không có nghĩa các DA luôn có tỷ lệ vốn nhà nước là 80%. "Các địa phương tùy vào từng hoàn cảnh, có thể có đàm phán để tỷ lệ tham gia của nhà nước có thể dưới mức tối đa", ông Hiếu nói.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) đề nghị xây dựng tiêu chí cho phép các DA đường bộ PPP được áp dụng mức tỷ lệ tối đa 70% như dự thảo. Bà Thanh cũng đề nghị Chính phủ, bộ, ngành cần thẩm định tính khả thi của DA trước khi kêu gọi NĐT tư nhân tham gia, xác định mức hấp dẫn DA cũng như kiểm soát quá trình thực hiện, tránh những rủi ro không mong muốn.
ĐB Huỳnh Thành Chung (đoàn Bình Phước) cho rằng, nếu nhà nước tham gia từ 50% hay 70%, thậm chí 80% như các ĐB đề xuất thì sẽ tham gia cả khâu tư vấn thiết kế cho đến xây dựng, lựa chọn vật liệu. ĐB Chung kiến nghị ngân sách chỉ nên tham gia vào đền bù giải phóng mặt bằng cho các DA. Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nhìn nhận tỷ lệ 70% có thể là "lợi bất cập hại" vì nhiều NĐT cũng không thích trở thành một cổ đông thiểu số trong DA PPP.
70 - 75% là hợp lý
Giải trình sau đó, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tỷ lệ vốn nhà nước là vấn đề khó, nhạy cảm trong các DA PPP. Trước đây, không quy định về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia. Khi sửa đổi luật PPP thì quy định là tối đa 50%, nhưng bây giờ lại thấy không còn phù hợp.
Ông Dũng dẫn ví dụ các DA đi qua địa phương mà lưu lượng xe thấp, nhu cầu vận tải không cao, khả năng thu hồi vốn thấp nên các NĐT không quan tâm như các DA ở vùng núi miền Bắc hoặc Tây nguyên. "Các DA này lưu lượng xe không đủ tính toán để ra phương án tài chính có thể thu hồi vốn", ông Dũng nói và cho rằng khi NĐT không tham gia thì các ngân hàng cho vay cũng không tham gia khiến DA không còn tính hấp dẫn, khả thi. Điều này đòi hỏi tỷ lệ vốn của nhà nước phải cao hơn. Bên cạnh đó, ông Dũng cho biết, phương án tách phần giải phóng mặt bằng của các DA đi qua đô thị lớn đã được Chính phủ trình, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tính gộp vào và nâng tỷ lệ vốn của nhà nước lên.
Vấn đề quan trọng là nâng tỷ lệ lên bao nhiêu để giữ được nguyên tắc hài hòa giữa nhà nước, NĐT và người dân, đồng thời đảm bảo tính khả thi. "Nếu thấp quá thì các NĐT hay các tổ chức tài chính không tham gia. Nhưng nếu chúng ta nâng cao quá thì không còn ý nghĩa của DA PPP nữa. Tỷ lệ vốn NĐT tham gia không nhiều thì làm đầu tư công còn hơn. Làm đầu tư công nâng cao được năng lực cạnh tranh cho địa phương mà không phải thu phí người dân, doanh nghiệp", ông Dũng nói và cho biết đã rất đắn đo khi thiết kế tỷ lệ này.
Theo Bộ trưởng KH-ĐT, trước đây, Bộ đã tính thử một vài lần, tỷ lệ vốn nhà nước khoảng 70 - 75% là hợp lý. Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý tùy từng DA cụ thể, người có thẩm quyền sẽ quyết định là bao nhiêu và tùy khả năng cân đối vốn của nhà nước có thể tham gia được bao nhiêu thì mới quyết định chứ không phải tỷ lệ 70 - 80% thì đương nhiên sẽ được nhà nước bố trí vốn như thế.
Quốc hội giao mục tiêu GDP năm 2024 tăng 6 - 6,5%
Chiều 9.11, tại kỳ họp 6 Quốc hội XV, với đa số ĐB Quốc hội tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết kế hoạch KT-XH năm 2024. Tại nghị quyết vừa thông qua, Quốc hội đặt mục tiêu năm 2024 tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%. Đây là 5 chỉ tiêu không đạt các mục tiêu Quốc hội đề ra trong năm 2023. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ ước đạt trên 5%.
Ngoài ra, Quốc hội cũng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024. Nghiên cứu hoàn thiện đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sớm nhất có thể trong năm 2024. Triển khai nhanh, hiệu quả đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030…