Sáng 10-11, Đại tướng Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công an, đã trình tờ trình về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Mục tiêu bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân
Theo đó, việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông.
Đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển pháp luật của nước ta và thông lệ quốc tế.
Dự luật gồm 9 chương, 81 điều. Trong đó dự luật đã chỉnh lý phạm vi điều chỉnh để phù hợp với tên gọi và nội hàm của luật.
Đã chuyển các quy định về phương tiện giao thông và một số điều quy định trong chương vận tải đường bộ có nội dung liên quan trật tự, an toàn giao thông từ dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo luật này...
Liên quan phương tiện giao thông, dự thảo quy định về điều kiện xe tham gia giao thông đường bộ; cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký và biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ...
Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong vận chuyển hàng hóa bằng ô tô; vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng... Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với ô tô đưa đón học sinh, xe quá khổ giới hạn của đường bộ...
Dự thảo luật bổ sung một số quy định mới phù hợp với xu hướng, tiến trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân.
Theo đó, với một trong các giấy tờ gồm giấy phép lái xe, chứng nhận đăng ký xe, chứng nhận kiểm định, chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, căn cước theo quy định không phải mang theo.
Dự thảo luật không phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe như Luật Giao thông đường bộ 2008, chỉ quy định nguyên tắc phân hạng giấy phép lái xe để bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi của các điều ước quốc tế liên quan...
Cân nhắc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết dự luật đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Lý do: Quy định như vậy là quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.
Nhóm ý kiến này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại xe, đồng thời bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Ngược lại, một số ý kiến nhất trí với quy định cấm tuyệt đối như dự thảo, vì cho rằng nội dung này đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.
Có ý kiến đề nghị bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm; khi có điều kiện mà cố ý không cấp cứu, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn giao thông…
Liên quan việc lắp đặt thiết bị hành trình, một số ý kiến đề nghị cân nhắc vì việc áp dụng với mọi loại xe (gồm cả xe mô tô, xe gắn máy) là rộng và khó bảo đảm tính khả thi.
Chỉ nên tập trung vào một số loại xe, đặc biệt là các xe kinh doanh có điều kiện.
Trả lời chất vấn sáng 7-11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cảnh báo người dân vẫn sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân cho người khác, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch dân sự "cũng hơi dễ dãi".