Lá đơn phá sản của WeWork gây ra rất nhiều tổn thất về tài chính. Adam Neumann, cựu CEO, lại không nằm trong danh sách nạn nhân của startup này.
Bốn năm trước, Adam Neumann rời WeWork. Người đàn ông này khi đó đã là tỷ phú nhờ lượng lớn cổ phiếu bán ra trong thời kỳ ‘kỳ lân bơm thổi’. Giờ đây, khi WeWork phá sản, số cổ phiếu còn lại của vị cựu CEO gần như vô giá trị song chẳng ảnh hưởng quá nhiều đến Neumann.
Vào cuối năm 2019, SoftBank cam kết chi hàng tỷ USD ‘cứu’ WeWork sau nỗ lực IPO thất bại, thiếu tiền mặt và thua lỗ nặng nề. Trước khi từ bỏ quyền kiểm soát công ty do chính mình thành lập, Neumann đã tham gia đàm phán để được nhượng bộ đáng kể từ SoftBank, chẳng hạn như khoản vay trị giá 430 triệu USD.
Với khoản vay này, cá nhân Neumann không gặp khó khăn trong việc hoàn trả. Nếu bị ‘bùng nợ’, SoftBank sẽ có quyền thu giữ toàn bộ số cổ phần còn lại của vị cựu CEO tại WeWork làm tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, giá trị số tài sản thế chấp đó đến nay đã lao dốc phi mã; hiện chỉ còn vỏn vẹn 4 triệu USD. SoftBank không tiết lộ rõ ràng quy mô khoản vay, song theo một báo cáo, Neumann vẫn nợ hàng trăm triệu USD và chỉ hoàn trả lại một phần rất nhỏ.
Một bài viết trên tờ Wall Street Journal còn vén màn văn hóa độc hại mà cựu CEO này tạo ra tại WeWork: Tiệc tùng xuyên màn đêm, sử dụng rượu bia và thậm chí là cả ma túy trong quá trình làm việc. Ngoài ra, Neumann và vợ của mình – Rebekah cũng nổi tiếng hà khắc với nhân viên nhưng nhân nhượng với người nhà. Họ thậm chí không đi làm nhưng không ai có quyền sa thải.
Theo lời kể của một nhân viên từng làm việc cho WeWork, có một quy tắc bất di bất dịch mỗi khi CEO Neumann đến thăm: vài ly thủy tinh, rượu tequila cao cấp Don Julio 1942 và nhạc.
“Mọi thứ ầm ĩ đến mức nhân viên chúng tôi không thể tập trung để làm bất cứ việc gì. Nhiều người bên ngoài từng phàn nàn về tiếng nhạc quá lớn nhưng nếu tắt đi, chúng tôi sẽ bị Neumann và nhóm của anh ấy khiển trách”, cựu nhân viên này chia sẻ. “Nếu bạn ở WeWork 1 năm thì nó giống như 10 năm tại bất kỳ công ty nào ngoài kia”.
Theo một bài viết được đăng tải trên tờ The New York Times, Adam Neumann còn dính ‘phốt’ lắp đặt nhà tắm hơi sử dụng tia hồng ngoại và một hồ bơi trong văn phòng của chính mình tại Manhattan. Tất cả các khoản mua sắm đó đều được chi trả bằng tiền của công ty.
Không ‘may’ như Neumann, vụ phá sản của WeWork khiến rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân viên bị tổn hại. Khoảng 50 đến 100 hợp đồng cho thuê bị hủy bỏ; hàng chục chủ nhà mất doanh thu; trong khi nhiều khách thuê chật vật tìm văn phòng mới. Cổ phiếu WeWork nay chỉ được định giá hơn 1 USD - sụt giảm quá nhiều so với hồi năm 2021 - thời điểm giá trị startup bùng nổ.
Kẻ thua cuộc nhất có lẽ phải kể đến SoftBank. Công ty đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào WeWork dưới thời Neumann và vụ phá sản trên gần như xóa sạch tất cả.
“Trước WeWork, người ta nhận thấy SoftBank là một tổ chức cực kỳ cẩn thận, thông minh và có tầm nhìn xa. Tuy nhiên, sự tung hô khiến họ chủ quan, cho rằng mình biết nhiều hơn người khác. Đó là khởi đầu của sự sụp đổ”, Aswath Damodaran, giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, cho biết.
Trong nửa đầu năm tài khóa, SoftBank lỗ 1,41 nghìn tỷ yên (9,3 tỷ USD). Đại diện công ty cho biết sự suy yếu của đồng Yên đã khiến các hoạch định tài chính bị ảnh hưởng do công ty có nhiều khoản nợ bằng đồng USD.
Theo CNBC, bộ phận đầu tư công nghệ hàng đầu của SoftBank đã phải trải qua khoảng thời gian cực kỳ khó khăn trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 năm nay. Qũy lỗ kỷ lục 32 tỷ USD, phần lớn do giá cổ phiếu công nghệ sụt giảm. Một số vụ đặt cược của SoftBank ở Trung Quốc cũng không mấy khả quan.
Theo: WSJ