Ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết như vậy khi nói về việc khảo sát người dân chuyển đổi sang xe điện tại hội thảo "Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện" ngày 10-11.
Hội thảo do Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức.
Theo ông An, từ năm 2010 đến cuối năm 2022, TP.HCM quản lý 12.575 xe điện, chủ yếu là xe hai bánh. Trong nửa đầu năm 2023, thành phố đã tăng thêm 2.000 xe điện. Hiện TP.HCM đã khai thác 77 xe buýt điện tại 5 trên tổng số 128 tuyến xe buýt.
Ông An cho biết Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM được UBND TP.HCM giao xây dựng chủ trương phát triển xe điện hóa và xe thân thiện môi trường.
Qua khảo sát, phát hơn 10.000 phiếu hỏi có muốn đổi sang dùng xe điện trong tương lai hay không thì có 86,8% người trả lời là chưa có nhu cầu.
Với những người có ý định sẽ mua xe điện trong tương lai có gần 13% dự định mua xe đạp điện, 71% mua xe máy điện, 16% muốn mua ô tô điện.
Có bốn lý do chính được người dân đưa ra khi chưa sẵn sàng mua xe điện là: đã quen dùng xe máy, ô tô chạy xăng, diesel; giá bán xe điện vẫn còn đắt; công nghệ pin chưa ổn định; hạ tầng trạm sạc pin chưa phủ rộng.
Theo ông An, trong tương lai TP.HCM dự kiến khoanh vùng một số khu vực dùng xe không phát thải như ở các quận trung tâm của thành phố.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ năm 2018 - 2023 tại Việt Nam có 67.000 xe điện nhập khẩu, hơn 1,7 triệu xe điện sản xuất lắp ráp trong nước gồm: 22.000 ô tô điện và 1,5 triệu xe máy điện.
Tuy lượng xe điện đang tăng nhanh nhưng vẫn là con số khiêm tốn trong tổng số 5 triệu ô tô và 72 triệu xe máy đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Do vậy ông Phạm Hoài Chung - phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải - nhận định việc thúc đẩy chuyển đổi xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện là cần thiết. Việc này nhằm giảm phát thải ra môi trường trong bối cảnh chỉ số bụi mịn trong không khí tại các đô thị Việt Nam nằm trong nhóm ba nước cao nhất ASEAN (gồm Indonesia và Lào).
Theo ông Chung, để chuyển đổi sang sử dụng xe điện cần thực hiện bốn nhóm chính sách hỗ trợ gồm: Ưu đãi khuyến khích sản xuất lắp ráp, nhập khẩu; Khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng; Phát triển hạ tầng trạm sạc điện; Khuyến khích phát triển hạ tầng vận tải hành khách công cộng sử dụng điện.
Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Đỗ Phan Anh - Sở Giao thông vận tải Hà Nội - cho biết Hà Nội đang có 2.034 xe buýt được trợ giá, với 277 xe sử dụng năng lượng sạch (gồm 139 xe chạy bằng khí thiên nhiên nén - CNG và 138 xe buýt điện). Hiện có 1.200 xe buýt đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên. Còn lại 1.757 xe buýt sử dụng diesel cần có lộ trình thay thế sang sử dụng năng lượng sạch
Tuy nhiên khó khăn, thách thức trong việc chuyển đổi là chi phí đầu tư xe buýt điện cao gấp 2-4 lần so với xe buýt diesel (xe buýt điện có giá rẻ nhất cũng 7 tỉ đồng/chiếc); chi phí đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp (trạm biến áp, hệ thống cung cấp điện …) tạo nên áp lực lớn về chi phí đầu tư, chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp vận tải và cũng tác động ảnh hưởng không nhỏ đến khoản chi phí trợ giá cho xe buýt hiện nay.
Ngoài ra cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành đơn giá, định mức cho cả xe buýt điện để thực hiện.
Dự án Luật Đường bộ đang trình Quốc hội xem xét có nội dung bắt buộc trạm dừng nghỉ, bến xe phải có trạm sạc cho xe điện.