Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 10/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.
Theo kết quả biểu quyết, có 444 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 89,88%). Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.
Không đưa tiền chưa có phương án phân bổ vào dự phòng ngân sách trung ương
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Chính phủ chưa có phương án phân bổ đối với khoản 2.850 tỷ đồng chi thường xuyên của Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao đời sống người dân, nhất là những người yếu thế. Nếu không bố trí khoản chi trên, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia có thể tiếp tục bị chậm trễ, dẫn đến ảnh hưởng đến người dân.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bố trí 2.850 tỷ đồng chi thường xuyên của Chương trình mục tiêu quốc gia và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để phân bổ chi tiết, bảo đảm đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch.
Liên quan tới ý kiến đề nghị không giao Chính phủ phân bổ các khoản chưa đủ điều kiện phân bổ của ngân sách trung ương, kể cả kinh phí cải cách tiền lương để bảo đảm đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và thẩm quyền của Quốc hội, không tạo ra một khoản kinh phí như khoản dự phòng thứ hai của ngân sách trung ương…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội bố trí dự toán 43.281 tỷ đồng đối với những khoản chưa có phương án phân bổ chi tiết.
Để bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách, vấn đề chưa thể dự toán ngay từ đầu năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho phép bố trí dự toán cho những nhiệm vụ chưa phân bổ. Đồng thời giao Chính phủ rà soát, khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện phân bổ theo đúng quy định các khoản chi của ngân sách trung ương chưa phân bổ… báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất, tương tự như năm nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cũng cho biết, hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét, quyết định bố trí dự phòng ngân sách trung ương 34.900 tỷ đồng. Như vậy, nếu đưa thêm khoản 43.281 tỷ đồng vào dự phòng ngân sách trung ương sẽ vượt mức tối đa theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Do đó, để bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho phép không đưa các khoản này vào dự phòng ngân sách trung ương.
Xem xét tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn
Liên quan một số ý kiến đề nghị báo cáo rõ về khoản phân bổ để thanh toán tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, năm nay, Quốc hội chưa quyết định phân bổ dự toán khoản 8.247 tỷ đồng để thanh toán tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn và đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán theo quy định tại Nghị quyết 42, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn chưa có Tờ trình chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Do vậy, đến nay vẫn chưa phân bổ được khoản kinh phí trên. Năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bố trí 9.653 tỷ đồng cho nhiệm vụ này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần khẩn trương trình Quốc hội xem xét, quyết định bố trí để thanh toán tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn trong năm nay.
Đối với đề xuất bố trí 9.653 tỷ đồng trong năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc phải bù giá trong bao tiêu sản phẩm của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn là vấn đề đã phát sinh trong nhiều năm qua, đến nay cần phải xử lý để không vi phạm cam kết của Việt Nam.
Để bảo đảm nguồn lực xử lý vấn đề phát sinh do thực hiện cam kết của Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dành nguồn 9.653 tỷ đồng trong dự toán ngân sách trung ương năm 2024 để thực hiện bù giá trong bao tiêu sản phẩm của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn trên cơ sở Chính phủ xác định chính xác số liệu, đồng thời số liệu phải được kiểm toán do Kiểm toán Nhà nước thực hiện tương tự như quy định Quốc hội đã cho phép trong năm 2023.