Thảo luận tại tổ về Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đây là dự án luật có tầm quan trọng đặc biệt vì Hà Nội là một đô thị đặc biệt, đồng thời là thủ đô của cả nước.
Đề xuất tăng 35 người cho HĐND TP, giảm 6.000 đại biểu HĐND phường
Về mô hình tổ chức chính quyền của TP Hà Nội, ông Vương Đình Huệ nói có điểm khác biệt với mô hình của TP.HCM và Đà Nẵng.
Qua tổng kết thí điểm, mô hình chính quyền đô thị của Hà Nội dường như phù hợp hơn vì chỉ bỏ HĐND cấp phường, còn chính quyền ở nông thôn vẫn giữ HĐND và UBND; ở đô thị vẫn giữ HĐND quận, huyện nên sau tổng kết muốn luật hóa nội dung đã đủ “chín” này.
Về số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội, dự luật đề xuất tăng từ 90 lên 125 đại biểu. Qua nghiên cứu, đề xuất này hoàn toàn phù hợp với nghị quyết của trung ương vì khi không tổ chức HĐND cấp phường, Hà Nội giảm 6.000 người, mà chỉ đề xuất tăng 35 người cho HĐND TP.
“Về nhiệm vụ, quyền hạn của thường trực HĐND TP, việc phân cấp, phân quyền cho HĐND TP là cần thiết thí điểm để sau này tổng kết, đánh giá.
Tới đây, cần nghiên cứu thể chế hóa, quy định một số quyền hạn riêng, phù hợp cho thường trực HĐND”, ông Vương Đình Huệ nói.
Bày tỏ đồng tình với quy định về phân cấp một số thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu HĐND TP Hà Nội có thể quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỉ đồng.
Ông nói TP cần được ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển.
Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai các dự án, đặc biệt dự án đường vành đai 4 còn một số vướng mắc trong thời gian qua, ông Dũng cho rằng song hành cùng các quy định giao thẩm quyền về chủ trương, các quy định pháp luật khác cũng phải đi theo.
Về nội dung di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô, ông Dũng đề nghị để đẩy nhanh quá trình thực hiện cần giao thêm thẩm quyền cho thành phố.
Cắt điện để không xảy ra tình trạng vi phạm của doanh nghiệp
Chiều 10-11, cũng thảo luận tại tổ về Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) quan tâm đến quy định về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thủ đô.
Theo đó, dự thảo luật bổ sung 3 lĩnh vực Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định, gồm phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh an toàn thực phẩm và quảng cáo.
Quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, phòng cháy, chữa cháy.
Đồng tình với dự thảo luật, ủng hộ biện pháp cắt nước, cắt điện tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, phòng cháy, chữa cháy, bà nói khi sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính, TP.HCM từng có nhiều ý kiến đề nghị sử dụng biện pháp này khi người vi phạm không thực hiện quyết định xử phạt hành chính.
Song khi đó, nhiều đại biểu cho rằng việc này ảnh hưởng đến quyền con người.
"Ngừng cấp điện để không xảy ra tình trạng vi phạm của doanh nghiệp chứ không phải ngừng cung cấp điện cho hộ dân. Khi Hà Nội đề xuất bổ sung biện pháp này, tôi hoàn toàn đồng ý.
Ở đây phân định rất rõ việc ngừng cung cấp để ngăn xảy ra hành vi vi phạm, chứ không phải gây ảnh hưởng đến người dân", bà Tuyết nêu.
Quan tâm đến mô hình thành phố trong thành phố Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) cho rằng quyền hạn của mô hình này trong dự thảo luật còn mờ nhạt, chủ yếu dừng ở tổ chức bộ máy và đề nghị nghiên cứu phân cấp mạnh hơn, giao thêm nhiệm vụ cho mô hình thành phố trong thành phố.
"Báo cáo thẩm tra nói mô hình đó chưa có ở Hà Nội nên cần có thời gian, nhưng tôi nghĩ thể chế cần đi trước một bước. Thực tiễn ở TP.HCM đã có, đó là TP Thủ Đức. Hà Nội cần mạnh dạn hơn trong việc thực hiện mô hình này", bà Hạnh nêu.
Dự án Luật Thủ đô sửa đổi đã đề xuất quy định cơ cấu tổ chức của chính quyền 2 thành phố mới sẽ thành lập thuộc thủ đô Hà Nội.