Cơ quan chức năng có hướng giải quyết tình trạng này như thế nào?
"Lô cốt" đẩy xe lên vỉa hè
Một trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi "lô cốt" công trình nghiêm trọng là đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn giao với đường 22, phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức).
Hàng rào chắn công trình dài khoảng 20m và rộng khoảng 3m chiếm nửa chiều rộng đường, gây ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, đặc biệt vào giờ cao điểm.
"Nếu có hai chiếc xe hơi chạy đối đầu, một trong hai xe phải nhường đường. Còn xe máy thì hầu như phải chạy lấn lên vỉa hè để luồn lách qua. Tội nhất là các em học sinh, cứ giờ tan học đi qua đây là thấp thỏm. Có em phải dắt bộ xe cho chắc.
Tình trạng ùn tắc giao thông do "lô cốt" công trình đang gây nhiều khó khăn và phiền toái cho cư dân ở đây.
Mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải quyết" - bà Nguyễn Thu Cúc, sinh sống ở đường Nguyễn Duy Trinh, cho biết.
Cách đó khoảng 2km, khu vực giao lộ An Phú cũng tương tự. Xe từ nhiều hướng (tỉnh Đồng Nai về TP.HCM, xe container đi phà Cát Lái, đường dẫn cao tốc, đường Lương Định Của) khiến nơi đây ùn tắc mỗi ngày, giao thông phức tạp và hỗn loạn hơn.
Còn tại giao lộ đường Lương Định Của và Trần Não (TP Thủ Đức), rào chắn thuộc dự án cải tạo nâng cấp đường Lương Định Của và dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 đan xen nhau. Rào chắn này đã tồn tại thời gian dài, chưa có dấu hiệu của việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng để sớm tháo dỡ.
Công trình hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7 giáp huyện Nhà Bè) là công trình giải quyết kẹt xe.
Tuy nhiên, hiện tại nơi này đang ùn tắc nặng nề vì rào chắn của công trình đã án ngữ suốt 3 năm nay. Đến giờ cao điểm, xe cộ từ hướng Nhà Bè về quận 7 phải "lết" từng chút một.
Hai giải pháp giảm ùn tắc
Liên quan vấn đề trên, ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết tính đến tháng 11 tại TP.HCM có 68 vị trí rào chắn (đã giảm 5 vị trí so với tháng 9). Các rào chắn này nằm trên 30 tuyến đường.
Để giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cùng các đơn vị liên quan đã đề ra hai giải pháp chính. Thứ nhất là đề xuất xây dựng mở rộng đường sá và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình đang làm.
Sở cũng đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, sớm hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án giao thông (như xây dựng hầm chui tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao An Phú, đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa...).
Sở cũng đang đốc thúc các bên liên quan sớm hoàn thành thủ tục để xây dựng các dự án trọng điểm (như mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, xây dựng cầu vượt thép tại ngã tư Bốn Xã).
Giải pháp thứ hai là giải pháp "phi công trình" - kiểm tra và tổ chức điều chỉnh giao thông phù hợp với thực tế ở các khu vực có rào chắn, tuyến đường hay ùn tắc giao thông.
Cụ thể, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã triển khai phương án cấm xe ôtô khách có giường nằm đi vào khu vực nội đô thành phố từ 6h - 22h.
Cấm xe container trên 10 tuyến đường, tổ chức đi một chiều các loại xe trên 3 tuyến đường và điều chỉnh giao thông cục bộ tại 12 giao lộ (cấm rẽ trái, cấm quay đầu xe, điều chỉnh làn xe...).
Đồng thời, Sở Giao thông vận tải cùng các đơn vị liên quan tổ chức lắp đặt bổ sung dải phân cách bên tại 8 vị trí hay xảy ra tai nạn giao thông trên đường D1 và D2 Khu công nghệ cao TP.HCM.
Dải phân cách ngăn xe lấn trái tại một số giao lộ, tách riêng làn đường xe ôtô và làn đường xe hai bánh trên cầu vượt Sóng Thần 2, điều chỉnh cấm dừng xe đỗ xe trên 21 tuyến đường, đoạn đường.
Tách riêng pha đèn tín hiệu cho ôtô với pha đèn dành cho xe hai bánh tại ba điểm đen tai nạn giao thông (vòng xoay Mỹ Thủy, nút giao Mỹ Thuận, giao lộ Võ Trần Chí - Trần Văn Giàu).
"Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng tăng cường phối hợp và huy động lực lượng tham gia điều tiết giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Đề nghị Thanh tra sở phối hợp cùng các đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động xây dựng của một số công trình có rào chắn.
Phát huy hiệu quả các nhóm phản ứng nhanh bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu vực trọng điểm ở sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, trung tâm TP.HCM", ông An cho hay.
Dịp cuối năm mật độ lưu thông tăng cao, song nhiều con đường ở thủ đô bị “lô cốt” cát cứ khiến người dân bức xúc.