Theo bài công bố trên tạp chí American Astronomical Society 2 (Hiệp hội Thiên văn Hoa Kỳ), nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi Tiến sĩ - nhà thiên văn học Jane Greaves từ Đại học Cardiff (Anh) chỉ ra rằng, xung quanh hai ngôi sao mang tên HD 76932 và HD 201891 có thể ẩn giấu ít nhất 2 hành tinh hình thành lục địa sớm hơn Trái Đất 4-5 tỉ năm.
Đó là kết quả sàng lọc từ 29 ngôi sao được coi là có khả năng hỗ trợ sự hình thành những hành tinh có sự sống.
Hai ngôi sao hơi nhỏ hơn Mặt Trời này cách Trái Đất 70 và 110 năm ánh sáng, một khoảng cách tương đối "gần" trong quan sát thiên văn. Chúng nằm ở khu vực mà từ lâu giới thiên văn đã nghi ngờ có khả năng sản sinh ra các hành tinh sống được. Đó là rìa đĩa dày của thiên hà chứa Trái Đất Miky Way (Ngân Hà). Thế giới của chúng ta cũng nằm ở khu vực gần rìa này.
Thậm chí Tiến sĩ Greaves còn cho rằng hai hệ thống hành tinh quanh HD 76932 và HD 201891 có thể chứa đựng sinh quyển tiên tiến hơn Trái Đất. Điều đó đem đến hy vọng rằng khoảng thời gian 4-5 tỉ năm tiến hóa đã cho phép các hành tinh này chứa đựng sự sống - thậm chí là các nền văn minh - tiên tiến hơn những gì đang hiện hữu ở địa cầu.
Những suy nghĩ về việc tìm ra các hành tinh sống được ngoài vũ trụ đã thúc giục Jane Greaves tìm câu trả lời cho câu hỏi: Các lục địa đầu tiên xuất hiện trên một hành tinh trong thiên hà của chúng ta khi nào? Hóa ra, lục địa của hai ngoại hành tinh - và có lẽ cả sự sống - có thể đã xuất hiện trước Trái đất từ 4 đến 5 tỷ năm.
Nếu sự sống trên một hành tinh khác có khởi đầu trước 5 tỷ năm, thì nó "có khả năng tồn tại sự sống tiến hóa hơn chúng ta", Greaves viết trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí American Astronomical Society số tháng 9.
Được biết, nhóm nghiên cứu đã xác định các "miền đất hứa" cho sự sống này thông qua hàm lượng uranium-239 và kali có trong các ngôi sao, cũng như tuổi của các ngôi sao được đo đạc bởi vệ tinh Gaia, một tàu vũ trụ có nhiệm vụ lập bản đồ thiên hà của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Các kết quả có thể trở thành định hướng quan trọng cho "thợ săn sự sống" mà cả thế giới đang trông đợi: Đài quan sát Các thế giới có thể sống được của NASA, dự kiến đưa vào sử dụng vào những năm 2040.
Trước đó, vào tháng 9 vừa qua, các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện sự tồn tại của một đại dương hiếm trên một ngoại hành tinh khổng lồ, cách Trái Đất hàng trăm năm ánh sáng và có dấu hiệu của sự sống.
Theo trang The Guardian (Anh), khám phá đầy hấp dẫn này được thực hiện bởi kính viễn vọng James Webb của NASA. Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho ngoại hành tinh này là K2-18 b.
NASA cho biết ngoại hành tinh này quay quanh ngôi sao lùn lạnh K2-18, có bán kính gấp 2,6 lần và khối lượng gần gấp 9 lần Trái Đất. Đây là một ngoại hành tinh Hycean - hành tinh có bầu khí quyển giàu hydro và bề mặt được bao phủ bởi nước. Cụ thể, thành phần hóa học của bầu khí quyển trên hành tinh này cho thấy khả năng tồn tại một thế giới đại dương.
"Khí metan và carbon dioxide dồi dào, cũng như không có amoniac trong bầu khí quyển, đã củng cố giả thuyết rằng có thể có một đại dương nước bên dưới bầu khí quyển giàu hydro ở ngoại hành tinh K2-18 b," NASA tuyên bố.
NASA cho biết bên trong ngoại hành tinh này có thể chứa một lớp băng lớn có áp suất cao, tương tự như sao Hải Vương. Tuy nhiên, K2-18 b có khả năng có bầu khí quyển giàu hydro mỏng hơn và một đại dương. Các hành tinh Hycean thường là đại dương nước, nhưng trên K2-18 b cũng có thể là đại dương quá nóng để có thể sinh sống.
Điều đáng chú ý là các nhà khoa học còn phát hiện một phân tử mang tên Dimethyl sulfide (DMS), loại phân tử chỉ được tạo ra bởi sự sống trên Trái Đất, ở ngoại hành tinh này.
Thông cáo báo chí của NASA cho biết phần lớn DMS trong bầu khí quyển Trái Đất được phát ra từ thực vật phù du trong môi trường biển. Tuy nhiên, sự hiện diện của DMS vẫn chưa được xác nhận và cần phải nghiên cứu thêm.
Ông Nikku Madhusudhan – nhà thiên văn học tại Đại học Cambridge, tác giả chính của nghiên cứu NASA – cho biết: "Các quan sát sắp tới của Webb sẽ có thể xác nhận liệu DMS có thực sự hiện diện trong bầu khí quyển của K2-18 b ở mức đáng kể hay không".
Theo Lives cience