"Đuổi học là đúng ý em"
"Em hiểu học sinh đánh nhau tức là vi phạm nội quy của nhà trường, chắc chắn sẽ bị kỷ luật. Nhưng giữa hai hình thức đình chỉ học tập hai tuần hay đọc sách đạo đức trong giờ ra chơi hai tuần thì em thấy hình thức thứ hai hay hơn" - Trương Công Gia Khánh, học sinh lớp 11 ở quận Tân Bình, cho biết.
Khánh giải thích: "Lứa tuổi học sinh rất thích nghỉ học, kể cả học sinh giỏi hay học sinh yếu, học sinh ngoan hay không ngoan. Thời khóa biểu có tiết học nhưng trường thông báo thầy bận họp một cái là cả lớp vỗ tay, reo hò.
Với các bạn lười học, thích quậy phá thì lại càng thích nghỉ học. Thế nên, nếu học sinh vi phạm nội quy mà nhà trường đình chỉ học tập thì đây được xem như là... phần thưởng chứ không phải bị phạt".
Cách đây vài năm, khi người viết bài này phỏng vấn một nữ sinh ở quận 12 về việc em bị đuổi học do đánh nhau, câu trả lời của em khiến nhiều người xung quanh bất ngờ: "Trường đuổi học em là đúng ý em".
Có lẽ vì lý do trên mà nhiều nhà giáo cho rằng không nên đình chỉ học tập đối với những học sinh đánh nhau nói riêng hoặc học sinh vi phạm nội quy nói chung.
Cách làm nhân văn
Theo cô Trần Hồng Lan - giáo viên môn văn ở quận 6, học sinh đã học không tốt mà đình chỉ học tập nữa thì làm sao học sinh theo kịp chương trình. Cách làm của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi vừa nhân văn, vừa hiệu quả, phù hợp với tâm lý học sinh.
"Các em vẫn đi học bình thường để không bị mất bài, đồng thời vẫn bị hạ hạnh kiểm yếu. Tôi đánh giá cao hình thức kỷ luật là đọc sách đạo đức. Đây là hình thức kỷ luật học sinh nên nhân rộng" - cô Lan nói.
Em Nguyễn Hoàng Hà - học sinh lớp 12 ở quận 1 - đề xuất thêm: "Để đạt được hiệu quả như ý thì em đề nghị các nhà trường, thầy cô hãy chọn lọc những cuốn sách đạo đức có chất lượng.
Tuổi của chúng em bây giờ không phải người lớn nói gì chúng em cũng nghe. Không phải sách nói gì cũng đúng. Trên thực tế có những cuốn sách rất giáo điều, em chỉ đọc vài trang là chán. Sách đạo đức phải là những câu chuyện thực tế thuyết phục chứ đừng rao giảng giới trẻ phải làm thế này, thế kia" - Hà nhấn mạnh.
Tại sao học sinh đánh nhau phải đọc sách đạo đức?
Giải thích về việc xử lý kỷ luật các học sinh đánh nhau tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, ông Trịnh Vĩnh Thanh - trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp, TP.HCM - cho biết:
"Nhà trường không đình chỉ việc học tập của học sinh bởi đây là hình thức không được dư luận đồng tình, các chuyên gia giáo dục cũng không khuyến khích.
Thay vào đó, trong vòng hai tuần, cứ đến giờ ra chơi (cả buổi sáng và chiều), học sinh đánh nhau phải đến thư viện trường đọc sách. Nhà trường sẽ định hướng cho học sinh đọc sách đạo đức là chủ yếu.
Việc đọc sách có sự giám sát của thầy, cô giáo trong trường. Sau đó, học sinh sẽ ghi lại cảm nhận của bản thân về từng cuốn sách mà mình đã đọc".
Ông Thanh cho biết thêm: "Sau hai tuần đọc sách, vào thứ hai chào cờ hằng tuần, các học sinh đánh nhau sẽ luân phiên kể một câu chuyện đạo đức trước toàn trường.
Theo tôi, các em đang có tâm lý muốn thể hiện mình trước mọi người. Ngay cả việc đánh nhau quay clip tung lên mạng cũng nhằm muốn mọi người biết mình.
Cách các em thu hút sự chú ý là tiêu cực, không đúng, tại sao nhà trường chúng ta không tạo điều kiện để các em được thể hiện mình một cách tích cực? Đó cũng là cách giúp các em tự điều chỉnh hành vi".
Sau khi đánh một học sinh lớp 8 dã man, nhóm nữ sinh lớp 9 còn cấm nạn nhân báo cho người khác, nếu không sẽ bị đánh tiếp.