Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, “mang thai ảo” là một trò chơi điện tử, trong đó người tham gia có thể trải nghiệm các thử thách của một người mẹ - như nỗi vất vả và phấn khích khi mang thai và sinh con, ngoài nỗi đau về thể chất và chi phí tài chính.
Người chơi sẽ lên kế hoạch mang thai và phân bổ kinh phí cho các kế hoạch khác nhau. Toàn bộ số tiền chi tiêu trong thời gian này sẽ sẽ được gửi vào tài khoản ngân hàng của người chơi dưới dạng tiền tiết kiệm.
Các trò chơi ảo từ lâu đã thu hút thế hệ trẻ Trung Quốc. Giờ đây, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng, người trẻ đang tìm cách tiết kiệm bất cứ thứ gì có thể. Trong đó, trò chơi ảo mô phỏng về các công việc, chi phí khi nuôi dạy một đứa trẻ, đang gây sốt trong giới trẻ ở quốc gia này. Các chi phí mô phỏng bao gồm từ xét nghiệm mang thai, mua thực phẩm chức năng cho đến khám thai.
Cô Xiaoding, một phụ nữ thất nghiệp, thuộc thế hệ Milenial (những người sinh từ năm 1981 đến năm 1996) đã tham gia trò chơi này từ tháng 9. Ban đầu, cô lựa chọn đặt nhân vật trong trò chơi mang thai 3 tháng và đặt tên cho con của nhân vật là Tiki.
“Nhiều người nổi tiếng thông báo họ mang thai sau ba tháng. Tôi nghĩ có lẽ là do lúc đó bào thai đã ổn định”, cô nói với iFeng.com.
Trong bài đăng đầu tiên trên trò chơi ảo, cô Xiaoding viết: “Hôm nay, tôi cảm thấy buồn nôn và muốn nôn. Tôi đã chậm kinh 2 tháng nên tôi mạnh dạn dự đoán rằng mình có thể có thai. Tôi ngay lập tức thực hiện một số xét nghiệm mang thai. Để đảm bảo độ chính xác, tôi mua ba chiếc que thử thai, tốn khoảng 30 nhân dân tệ (970 nghìn đồng)”.
Số tiền này sau đó được gửi dưới dạng tiền tiết kiệm vào tài khoản của Xiaoding.
Những phụ nữ khác theo dõi quá trình “mang thai” ảo của Xiaoding cũng làm theo, tiết kiệm được số tiền tương tự vào tài khoản của họ. Ngoài ra, cô còn mua thực phẩm chức năng và súp đậu phụ cá diếc để bồi bổ trong quá trình mang thai, với giá dao động từ 10 đến 200 nhân dân tệ (30 nghìn đồng đến 670 nghìn đồng).
Chỉ trong hai tuần, số người theo dõi Xiaoding đã tăng từ hàng chục lên hàng chục nghìn người.
Nhiều người tham gia trò chơi đã cá nhân hóa kịch bản mang thai ảo của họ dựa trên câu chuyện của Xiaoding. Một số người khác đã chọn “phiên bản nuôi dạy con cái cao cấp” - gồm mua các sản phẩm bồi bổ sức khoẻ nhập khẩu và sinh con tại bệnh viện tư để tăng số tiền tiết kiệm.
Tuy nhiên, những người tham gia trò chơi này cũng phải đối mặt với một số thách thức trong quá trình tương tác. Một số người cho biết thu nhập hạn chế chỉ cho phép họ mô phỏng từng bà mẹ, vì không đủ khả năng chi trả cho nhiều bà mẹ hơn.
Một số khác chia sẻ, “chi phí” bất ngờ đôi khi khiến việc duy trì “thai kỳ” trở nên khó khăn, buộc họ phải “phá thai”.
Cô Miaomiao, nhà thiết kế đồ họa 23 tuổi, sống tại Trùng Khánh, đã cân nhắc “đình chỉ” thai kỳ ảo sau 4 tháng. Trong thời gian đó, cô đã tiết kiệm thành công 2.050 nhân dân tệ (6,8 triệu đồng).
“Tất nhiên, chi phí cho việc ‘phá thai’ cũng được tính vào tài khoản của tôi”, Miaomiao nói.
Tuy nhiên, trò chơi nhập vai tiết kiệm trực tuyến này không làm tăng mong muốn sinh con, nuôi dạy con cái ngoài đời thực của giới trẻ. Cô Xiaoding cho biết: “Giả vờ nuôi con chỉ là một cách để động viên mọi người tiết kiệm tiền. Và nhiều phụ nữ vẫn sợ hãi và dè dặt về việc sinh con”.
Cô Miaomiao cũng đồng tình với quan điểm trên. Cô nói: “Theo dõi quá nhiều về hành trình mang thai khiến tôi áp lực”.
Trò chơi nhập vai này cũng làm dấy lên các cuộc thảo luận của các bậc cha mẹ ngoài đời thực. Họ cho rằng việc làm cha mẹ thực sự phức tạp và tốn kém hơn những gì được mô phỏng trong trò chơi này.
“Tôi sợ rằng những người đã trải nghiệm trò chơi nhập vai này càng không muốn có con nữa”, một người chia sẻ.