Qua bài báo này, nhiều bạn đọc cũng bình luận rằng đó là một cách “bỏ tiền mua danh để tăng hạng trên bảng xếp hạng quốc tế".
Bạn đọc Vũ Châu bình luận: "Vấn đề đặt ra là trường 'tài trợ' để có nhiều bài báo. Nhiều bài báo thì được 'thăng hạng', 'thăng hạng' xong thì dùng uy tín đó để tuyển sinh. Học sinh phổ thông đăng ký vào trường vì trường có nhiều nhà khoa học, vì trường có 'hạng' cao, 'danh tiếng' cao.
Và học sinh vào học thì học với những giảng viên không nghiên cứu. Nghĩa là sinh viên chả được thụ hưởng gì từ những 'nhà khoa học' đó cả. Vậy tóm lại là có dùng cái 'tài trợ' này để lừa gạt học sinh, lừa gạt xã hội không".
Còn bạn đọc Nguyễn Tuấn Lộc ý kiến: “Nay lại tiếp tục lòi ra mua bài báo lấy danh cho trường. Hèn gì trường mới thành lập chưa bao lâu mà trên một số bảng xếp hạng công bố đứng nhất nhì nước ta. Nay xem ra sự thật là đây.
Để lấy danh tiếng thì nên mời giáo viên có thực lực, trả lương xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Còn đằng này chơi trò 'cốc mò cò xơi', bỏ tiền mua bài báo mà không bỏ tiền ra đài thọ nghiên cứu.
Trong giáo dục bậc đại học mà còn làm thế thì trách sao sinh viên ra trường không noi theo. Riêng các vị lãnh đạo trường ai cũng mác phó giáo sư, giáo sư, tiến sĩ sao không thấy tự lực cánh sinh làm nên những nghiên cứu mà phải như thế…”
Thì ra nhiều bài báo khoa học là thế
Bạn đọc tên Minh cũng bình luận: “Bỏ tiền ra mua bài báo để thăng hạng ranking chứ còn gì nữa”. Bạn đọc Lê Duy Nhân cảm thán: “Thì ra nhiều bài báo khoa học là thế”. Một bạn đọc ý kiến: “Mọi người đều quá dễ để hiểu là tại sao trường đạt thứ hạng QS cao”.
Một bạn đọc khác lại đòi hỏi: “Hãy thực chất đi. Đừng PR quá mức”.
Lần đầu tiên Trường ĐH Tôn Đức Thắng lên tiếng khi dư luận đặt vấn đề trường này 'vung tiền mua bài báo khoa học để thăng hạng trong xếp hạng đại học'.