Theo đài CNN, trong 2 tuần bạo lực kéo dài, người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát, dẫn đến cái chết của 3 công nhân. Đại diện các công đoàn cho biết cảnh sát đã sử dụng hơi cay, đạn cao su để trấn áp biểu tình, khiến căng thẳng thêm leo thang.
Christina Hajagos-Clausen, Giám đốc tại IndustriALL Global Union, tổ chức bao gồm nhiều công đoàn ở Bangladesh, cho biết: “Các cuộc biểu tình đang leo thang và ngày càng trở nên bạo lực hơn”.
Ngày 7/11, Hội đồng tiền lương Bangladesh đã công bố mức tăng lương lên thành 113 USD/tháng cho công nhân ngành may mặc, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/12. Điều này đã bị các công nhân bác bỏ vì cho rằng tiền lương không theo kịp lạm phát trong 5 năm qua. Theo Cục Thống kê Bangladesh, lạm phát tăng lên 9% trong khoảng thời gian từ 2022 đến 2023, cao nhất trong 12 năm.
Hiện tại, một công nhân xưởng may cho các thương hiệu lớn như H&M, Zara và Levi's ở Bangladesh kiếm được 95 USD/tháng. Mục tiêu biểu tình của họ là nâng lên thành 208 USD/tháng. Để so sánh, số tiền đó vẫn thấp hơn mức lương hàng tuần mà người Mỹ nhận được khi kiếm được mức tối thiểu liên bang là 7,25 USD/giờ trước thuế.
Narza Akter, Chủ tịch Liên đoàn May mặc Sommilito Sramik, một trong những công đoàn lớn nhất Bangladesh, cho biết: “Mức lương này là không thể chấp nhận. Chúng tôi cảm thấy thông báo từ hội đồng tiền lương đang sỉ nhục công nhân trong ngành may mặc. Nó không hợp lý chút nào. Nếu mức lương tối thiểu không được thiết lập một cách hợp lý, sẽ có nguy cơ xảy ra tình trạng bất ổn lao động. Và đây là điều không mong muốn đối với cả người lao động, người sử dụng lao động hoặc nhà nước”.
Các cuộc biểu tình đã buộc nhiều nhà máy ở nước này phải đóng cửa, làm tê liệt trung tâm sản xuất hàng may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Hàng chục người biểu tình đã phải nhập viện. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, một người biểu tình đã đốt cháy một nhà máy khiến công nhân 32 tuổi Imran Hossain thiệt mạng và cuộc đụng độ dữ dội với cảnh sát dẫn đến cái chết của Rasel Howlader, 26 tuổi.
“Chúng tôi lo ngại về tình trạng trấn áp công nhân và công đoàn viên đang diễn ra. Mỹ kêu gọi tiến trình ba bên xem xét lại quyết định về mức lương tối thiểu để đảm bảo rằng nó giải quyết được những áp lực kinh tế ngày càng tăng mà người lao động và gia đình họ phải đối mặt”, Matthew Miller, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong ngày 8/11.
Trên thực tế, phần lớn công nhân trong các xưởng may mặc tại Bangladesh có xuất thân từ các nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương. Điều kiện làm việc trong ngành may mặc ở Đông Nam Á từng bị đặt ra nghi vấn trước đây. Tuy nhiên, Bangladesh không chứng kiến những cuộc biểu tình với mức độ bạo lực như thế này trong khoảng 10 năm kể từ thảm họa sập nhà Rana Plaza. Tòa nhà 9 tầng chen chúc các công xưởng may mặc gặp sự cố, khiến khoảng 1.100 người, chủ yếu là phụ nữ, thiệt mạng trong thảm họa.
Mặc dù các điều kiện làm việc đã được cải thiện kể từ đó và tiền lương cũng tăng lên, nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị của ngành may mặc đã vượt xa chúng rất nhiều. Theo nhóm tư vấn McKinsey, xuất khẩu quần áo từ Bangladesh, quốc gia đang có tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2031, đã tăng từ 14,6 tỷ USD năm 2011 lên 33,1 tỷ USD vào năm 2019.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, việc sản xuất hàng may mặc sẵn thống trị ngành công nghiệp của đất nước, chiếm 35,1% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Bangladesh.
Các thương hiệu thời trang lớn nói gì?
Mười tám thương hiệu bao gồm H&M, Levi's, Gap, Puma và Abercrombie & Fitch vào tháng trước đã gửi thư tới Thủ tướng Bangladesh kêu gọi đàm phán hòa bình và kêu gọi mức lương tối thiểu mới để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người lao động. Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (AAFP) - đại diện cho các thương hiệu ở Mỹ - đề xuất xem xét lại mức lương tối thiểu kịp thời. Hiện ở Bangladesh, mức lương tối thiểu được xem xét 5 năm/lần.
“Lý tưởng nhất là mức lương tối thiểu sẽ được xem xét hàng năm chứ không phải 5 năm một lần”, bà Nate Herman, Phó chủ tịch cấp cao về chính sách tại AAFP, cho biết trong một tuyên bố với CNN.
Các thương hiệu như H&M không sở hữu bất kỳ nhà máy nào ở Bangladesh. Thay vào đó họ ký hợp đồng với các chủ nhà máy ở đó. Những chủ nhà máy này sẽ trả tất cả các chi phí trả trước, như vật tư, cơ sở vật chất và nhân công.
Trong một tuyên bố mới đây, “gã khổng lồ” thời trang Thụy Điển cho hay họ nhận ra vai trò quan trọng của mình trong việc tạo điều kiện thanh toán mức lương đủ sống cho công nhân, thông qua hoạt động thu mua có trách nhiệm hơn. H&M nói thêm họ không thấy bất kỳ tác động lớn nào đến chuỗi sản xuất hoặc cung ứng tổng thể do các cuộc biểu tình hiện đang diễn ra, mặc dù một số nhà máy mà họ hợp tác đã đóng cửa.
CNN đã yêu cầu H&M làm rõ vai trò của công ty trong việc tạo điều kiện trả lương đủ sống nhưng họ không phản hồi.
Thương hiệu Patagonia cho biết họ hỗ trợ mức lương tối thiểu là 208 USD/tháng cho công nhân, chính xác bằng mức mà người lao động đang yêu cầu.
“Chúng tôi lấy nguồn từ một đối tác nhà máy lâu năm ở Bangladesh. Nhà cung cấp của chúng tôi đã đạt được tiến bộ đáng kể về mức lương cơ bản đủ sống, nhưng chúng tôi biết rằng mình có thể cùng nhau làm được nhiều việc hơn nữa”, đại diện công ty cho biết vào tháng trước.
Trong khi đó, thương hiệu Levi’s bày tỏ họ đã khuyến khích chính phủ Bangladesh thiết lập quy trình công bằng, đáng tin cậy và minh bạch để thiết lập mức lương tối thiểu thường xuyên.
Các thương hiệu không có quyền ấn định mức lương ở Bangladesh, nhưng họ có quyền quyết định sức ép về giá mua. CNN đã liên hệ với Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh, tổ chức đại diện cho các chủ nhà máy để đưa ra bình luận nhưng không nhận được phản hồi.
“Các nhà máy chịu rất nhiều sức ép và điều này bắt đầu từ các thương hiệu và nhà bán lẻ. Nếu chúng ta muốn ấn định mức lương, chúng ta thực sự phải khắc phục vấn đề giá cả”, bà Elizabeth Cline, giảng viên Chính sách thời trang tại Đại học Columbia, nhận định.
Trách nhiệm người tiêu dùng
Gần như tất cả người tiêu dùng mua quần áo sản xuất tại Bangladesh đều ở nước ngoài. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2019, xuất khẩu hàng may mặc chiếm 84% tổng thu nhập xuất khẩu của Bangladesh.
Người tiêu dùng muốn thời trang nhanh, rẻ. Đặc biệt trong bối cảnh lạm phát, thói quen chi tiêu của người tiêu dùng đang hướng tới những hàng hóa có giá cả phải chăng hơn. Trong khi thế hệ người tiêu dùng trẻ đang suy nghĩ về việc quần áo của họ đến từ đâu và được sản xuất như thế nào, thì ngành may mặc không thể dựa vào người tiêu dùng để tăng mức lương.
Ông Jason Judd, Giám đốc Viện Lao động Toàn cầu tại Đại học Cornell, cho hay: “Khách hàng cần trở thành một lực đẩy lớn để khuyến khích một thương hiệu nhằm tạo ra sự thay đổi”.
Trong thời kỳ đại dịch, các thương hiệu đã hủy đơn đặt hàng trị giá 40 tỷ USD tại các nhà máy trên khắp thế giới, khiến các chủ nhà máy và nhà cung cấp phải gánh chịu các hóa đơn và công nhân không được trả lương. Nhưng thông qua chiến dịch “Pay up” (Trả tiền) trên mạng xã hội, các thương hiệu đã phải hoàn trả 22 tỷ USD trong số 40 tỷ USD còn nợ.
Tuy nhiên, ông Judd chỉ ra sự thay đổi thực sự đến từ chính sách và từ chính bản thân đất nước. CNN đã phát biểu với một số nhà hoạt động vì quyền lao động rằng những gì đang xảy ra trên đường phố Bangladesh gợi nhớ đến những gì đã xảy ra ở Campuchia vào năm 2014, khi công nhân may mặc yêu cầu tăng lương sau khi chính phủ áp đặt mức lương tối thiểu mới. Sau cải cách, Campuchia hiện tăng mức lương tối thiểu cho công nhân may mặc mỗi năm một lần.
“Bangladesh cần một tiến trình hợp lý hơn, ít bạo lực hơn và toàn diện hơn”, ông Judd kết luận.
Xem thêm: nhc.761732571111132881-cul-oab-hnit-ueib-gnort-mihc-ioig-eht-yam-gnoux-neihk-nahn-neyugn/nv.fefac