1988 - năm của Văn Cao
Kể từ năm 1956, những tình ca lãng mạn thời kỳ trước cách mạng của Văn Cao hầu như vắng bóng trong đời sống văn nghệ miền Bắc, giống như số phận chung của âm nhạc tiền chiến. Không ai nghĩ 30 năm sau các tác phẩm này bắt đầu sống dậy với một sức bật khổng lồ của một chiếc lò xo bị nén chặt thời gian dài.
Kể từ sau cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới không thành công năm 1982, Tiến quân ca vẫn là Quốc ca của Việt Nam, Văn Cao dần xuất hiện trở lại trong đời sống văn nghệ các đoàn thể chứ không còn chỉ lặng lẽ sáng tác khí nhạc, viết nhạc phim và vẽ minh họa nữa.
Đó là năm 1983, Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ III, Văn Cao được trở lại vị trí ủy viên Ban chấp hành sau nhiều năm không tham gia lãnh đạo hội từ sau Nhân văn - Giai phẩm.
Cùng sự phục hồi này, một chương trình âm nhạc tác giả Văn Cao được Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với gia đình, những người bạn tổ chức mừng sinh nhật tròn 60 tuổi của tác giả và Trịnh Công Sơn đang ở Hà Nội.
Ông Đặng Hữu Phúc, một trong những người cùng tham gia với gia đình tổ chức chương trình này, kể tiệc sinh nhật âm nhạc chỉ gói gọn trong gia đình, bạn bè thân thiết, được tổ chức vào buổi chiều ở căn phòng gác hai trong ngôi biệt thự cổ 51 Trần Hưng Đạo, trụ sở của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Ngôi biệt thự cổ từng là nơi Bảo Đại ở mỗi lần ra Hà Nội trong quãng thời gian ông giữ vai trò cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam năm 1945 - 1946. Sau này là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lớn của văn nghệ một thời.
Đặng Hữu Phúc lúc đó mới 30 tuổi, đệm đàn cho cả chương trình và biểu diễn độc tấu hai bản nhạc Văn Cao viết cho piano là Sông tuyến và Hàng dừa xa. Ông còn nhớ khi những ca khúc của người nhạc sĩ tài danh cất lên, ai ai cũng xúc động, đặc biệt là những tình ca lãng mạn đã im bặt ở miền Bắc suốt mấy chục năm như Thiên thai, Trương Chi, Suối mơ...
Ngoài các nhạc phẩm của Văn Cao, bữa ấy Trịnh Công Sơn đã hát tặng "anh Văn" bài Bốn mùa thay lá, còn nhạc sĩ Trần Long Ẩn hát tặng đàn anh bài hát Một đời người một rừng cây của mình.
Kể từ đây, những đêm nhạc chuyên đề Văn Cao thỉnh thoảng lại được tổ chức ở Hà Nội, TP.HCM. Đặc biệt đêm nhạc Văn Cao tối 21-12-1986 tại Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam ở TP.HCM do nhóm bạn nhạc sĩ tổ chức khá thành công. Tháng 9-1987, một Chương trình nhạc Văn Cao được tổ chức ở Cung văn hóa Lao động Việt Xô nhưng chưa gây tiếng vang.
Phải tới năm 1988 mới chứng kiến sự trở lại bùng nổ của âm nhạc Văn Cao với chương trình Đêm nhạc Văn Cao do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thực hiện. Ông Văn Thao nhớ lại hơn 60 đêm nhạc Văn Cao đã diễn ra tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Nam Định...
Âm nhạc Văn Cao hầu như im lặng gần 30 năm nay bỗng dội về mạnh mẽ như nó xứng đáng thế. Các ca sĩ Kim Ngọc, Quý Dương, Hoàng Mi, Quang Thọ, Thanh Nga... hát từ Trương Chi, Thiên thai, Suối mơ, Đàn chim Việt... cho tới Trường ca sông Lô, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Bắc Sơn, Tiến về Hà Nội... Các tác phẩm khí nhạc của ông cũng được biểu diễn.
Văn Thao còn thiết kế logo riêng cho đêm nhạc. Đây là lần đầu tiên đêm nhạc của một tác giả có treo logo tác giả riêng.
Nhạc sĩ Thụy Kha còn nhớ đêm mở đầu chuỗi hơn 60 đêm nhạc diễn ra ngày 17-1-1988 tại Nhà văn hóa Trung tâm Hà Nội (rạp Kim Môn cũ trên phố Hàng Buồm, nay là Trung tâm Văn hóa 22 Hàng Buồm). Khán giả kéo tới đông tới mức người ta phải bán thêm vé đứng. Ngay hôm sau Thụy Kha đã có bài báo về đêm nhạc đăng trên báo Văn Nghệ.
Khỏi nói, Văn Cao đã hạnh phúc chừng nào trong năm này. Hơn 60 đêm nhạc trong một năm, tập thơ Lá được xuất bản sau nhiều năm cất giấu, tập nhạc Thiên thai cũng được NXB Trẻ ấn hành. Hoàn toàn không quá lời khi gọi năm 1988 là năm của Văn Cao.
Cũng năm này, các bạn của ông là Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán và Hoàng Tích Linh được phục hồi hội tịch Hội Nhà văn Việt Nam sau tháng năm lận đận, sầu khổ vì Nhân văn - Giai phẩm. Nhưng tin buồn lớn cũng đến với Văn Cao trong năm đặc biệt: các bạn ông, ba họa sĩ kỳ tài Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên lần lượt qua đời cùng năm.
Đầu đời có Kim Tiêu, cuối đời có Ánh Tuyết
Năm 1993, Văn Cao tròn 70 tuổi thì âm nhạc của ông bỗng tìm được tri âm. Đó là giọng hát Ánh Tuyết.
Trong một quán cà phê ở Hà Nội đầu thu, Ánh Tuyết ríu rít kể chuyện chị vừa ghé thăm bà Văn Cao ở căn gác 108 Yết Kiêu. Cảnh cũ người xưa khiến kỷ niệm cuộc gặp gỡ định mệnh với âm nhạc Văn Cao ùa về như mới ngày hôm qua...
Thời điểm đó Ánh Tuyết đang định bỏ nghề vì chạy sô miết cũng không đủ sống. Một ngày tháng 7-1993, bỗng chị nhận được lời mời: "Tuyết, em hát bài Buồn tàn thu và Thiên thai của Văn Cao cho chương trình nha".
Đó là chương trình tác giả Văn Cao diễn hai đêm cuối tháng 7 và đầu tháng 8-1993 tại quán Nhạc Sĩ ở số 7 Nguyễn Văn Chiêm (sau lưng Nhà văn hóa Thanh niên), do nhóm Những Người Bạn (nhạc sĩ Từ Huy, Thanh Tùng, Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn...) tổ chức, nhân có nhạc sĩ Văn Cao vô Sài Gòn.
Ánh Tuyết còn nhớ đêm đó mưa miết, âm thanh trục trặc, khán giả đến quá đông, quán phải đóng cửa không nhận thêm khách. Đêm đó có Lê Dung, Thanh Lan, Hồng Vân... nên Ánh Tuyết rất run. Rồi cô tự trấn an: Mình ngồi dưới đất rồi còn có gì sợ té, cứ hát thôi.
Ánh Tuyết bước ra, cất giọng hát thánh thót như tạc vào đêm tối: "Ai lướt đi ngoài sương gió...".
Bên dưới khán giả những gương mặt lập tức giãn ra, rồi những tràng pháo tay giòn giã. Ánh Tuyết thử liếc nhìn Văn Cao xem phản ứng của ông, vẫn chỉ thấy ông ngồi im như một pho tượng. Đêm nhạc kết thúc, cô ca sĩ trẻ chạy qua cùng bà Thúy Băng dìu Văn Cao xuống bậc tam cấp, hòng nghe một lời nhận xét của nhạc sĩ, nhưng ông vẫn... không nói gì.
Sáng hôm sau báo chí bùng nổ những lời ngợi khen cho giọng hát Ánh Tuyết. Cô hết bỏ nghề. Kể từ đó âm nhạc của Văn Cao chắp cho cô đôi cánh thênh thang.
Một năm sau gặp nhạc sĩ Văn Cao vô Nam. Ánh Tuyết muốn tìm hiểu những bài hát của ông từ chính tác giả, nhưng nhạc sĩ Văn Cao lúc nào cũng kiệm lời, kiệm biểu cảm nên Ánh Tuyết không dám hỏi. Vậy là hai bác cháu chỉ ngồi lặng lẽ bên nhau hàng giờ đồng hồ, cháu thì chén trà, bác thì chén rượu.
Rồi bỗng dưng người nhạc sĩ già nở nụ cười, đôi mắt vẫn nhìn ra ngoài cửa sổ: "Đầu đời âm nhạc Văn Cao thì có Kim Tiêu" (nam ca sĩ cũng người Hải Phòng có giọng hát rất hay, tham gia cách mạng bị địch bắt nhưng sau khi ra tù không hát nữa, rồi mất sớm). Một lúc sau nhạc sĩ nói thêm: "Không ngờ cuối đời thì có Ánh Tuyết".
Nghe thế nữ ca sĩ trẻ vui lắm nhưng không dám biểu cảm gì. Hồi lâu, Ánh Tuyết mới dám lên tiếng: "Nhưng mà bác à, Ánh Tuyết thì chỉ mới ánh thôi, tuyết rồi cũng sẽ tan".
Văn Cao cũng lại hồi lâu mới đáp: "Con bé này cũng khéo nói".
"Trương Chi là tôi đấy"
Ánh Tuyết nhớ có lần hai bác cháu cũng ngồi yên lặng, người bên chén trà người bên chén rượu, nhưng ở nhà Văn Cao ngoài Hà Nội. Hôm ấy Ánh Tuyết muốn hỏi ông về bài Trương Chi. Hồi lâu Văn Cao mới nói, năm chữ thôi: "Trương Chi là tôi đấy".
"Lúc đó tôi không hỏi gì nữa hết. Tự cảm nhận, tự hiểu lấy, càng thấy thương ông, thương lắm", nữ ca sĩ ngậm ngùi.
-----------------
Cuộc đời bậc kỳ tài từng chịu nhiều đau khổ Văn Cao cho đến cuối cùng thì đọng lại vẫn là một chữ tình để "từ đây người biết yêu người...".
Kỳ tới: Từ đây người biết yêu người
Nổi tiếng nhất ở mảng âm nhạc nhưng hội họa mới chính là mối băn khoăn hơn hết của Văn Cao, theo nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân - một người bạn tâm giao của ông.