Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện mặt hàng cá tra xuất khẩu có mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt trên 1,5 tỷ USD. Để chuẩn bị nguồn hàng cho mùa lễ hội cuối năm, hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu.
Đối với thị trường Trung Quốc, với lợi thế về địa lý, mặt hàng cá tra nước ta có thể cạnh tranh tốt hơn và đặc biệt có thể giành thị phần cao hơn bằng phân khúc thủy sản tươi sống, ướp lạnh cho tiêu thụ nội địa của thị trường tỷ dân này.
Xuất khẩu cá tra lấy lại đà tăng. (Ảnh minh họa : Ảnh - NLĐ)
Kỳ vọng xuất khẩu cá tra cuối năm
Không chỉ các thị trường truyền thống, thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng phục hồi trở lại. Tuy xuất khẩu cá tra hiện tại vẫn chưa vượt qua hết các khó khăn nhưng đây cũng là tín hiệu triển vọng trong những tháng cuối năm.
Dù tuần đầu tháng 11 này, hoạt động xuất khẩu cá tra có phần trầm lắng. Nhưng các doanh nghiệp và Hiệp hội vẫn kỳ vọng thị trường sẽ ổn định trở lại trong những tháng tới đây.
Ông Phan Hoàng Duy - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ cho hay: "Kỳ vọng có thể hết tháng 11 qua tháng 12 sẽ có tín hiệu tốt từ thị trường Trung Quốc. Còn thị trường lớn thứ 2 của ngành cá tra Việt Nam là thị trường Mỹ, họ có mùa vụ tiêu thụ thủy hải sản đặc biệt cũng là cá tra, thì khoảng đầu tháng 2 đến tháng 4 hàng năm là mùa hội Len ở thị trường này, khi đó nhà nhập khẩu sẽ tranh thủ đợt này nhập khẩu. Công ty cũng hy vọng thị trường sẽ thay đổi và có nhiều chuyển biến tích cực".
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết: "Hai tháng còn lại cũng có nhiều tín hiệu, đặt hàng đối với một số thị trường như Trung Quốc và Mỹ có tăng hơn những quý trước, nghĩa là tăng trưởng âm càng lúc càng giảm dần. Có tín hiệu tích cực đối với các thị trường xuất khẩu cuối năm này cũng như trong quý I/2024".
Hiện tại, xuất khẩu cá tra có những gam sáng, đặc biệt là thị trường khối CPTPP. Theo thống kê của Hiệp hội cá tra Việt Nam, nhiều thị trường tăng trưởng dương 2 con số như Canada, Mexico, Nhật Bản, đạt mức từ 16% đến 75%.
Xuất khẩu cá tra đã có những gam sáng. (Ảnh minh họa: Ảnh - Dân trí)
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, để khơi thông thông thị trường, vực dậy ngành hàng cá tra, cần phải chú trọng nhiều mặt.
Ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Trường Giang cho rằng: "Thị trường CPTPP phải làm mạnh hơn về truyền thông để họ biết rõ hơn về con cá tra. Một điểm quan trọng nữa là chúng ta phải thay đổi cách nuôi, lai tạo con giống, nuôi mật độ thấp, phòng ngừa dịch bệnh để nó tăng trưởng nhanh, hạ được giá thành con cá tra để có thể cạnh tranh được tấc cả con cá thịt trắng khác".
Sản phẩm cá tra nước ta được xuất khẩu sang hơn 150 thị trường trên thế giới với kim ngạch năm 2022 đạt 2,44 tỷ USD. Việc chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị trong chuỗi sản xuất, chế biến cá tra đang kỳ vọng đưa ngành cá tra đạt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm nay.
Cải thiện sản xuất để thuận lợi xuất khẩu cá tra
Trước những đòi hỏi khắt khe của thị trường về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả cạnh tranh, ngành hàng cá tra đang chú trọng nhiều giải pháp cải thiện chuỗi sản xuất nuôi trồng, chế biến cung ứng xuất khẩu. Đây là điều kiện tất yếu nhằm tận dụng thời cơ, khai thác tốt nhất tiềm năng xuất khẩu, ngành hàng thủy sản thế mạnh của vùng.
Dù có vùng nguyên liệu 300 ha và đầu tư luôn cả nhà máy chế biến thức ăn cho cá công suất 450 tấn/ngày, nhưng Công ty TNHH Thủy sản Đại Thành vẫn chịu ảnh hưởng thiệt hại do xuất khẩu giảm mạnh. Với hy vọng thị trường có thể hồi phục, doanh nghiệp đang tập trung nỗ lực tiết giảm chi phí nhằm hạ giá thành xuất khẩu.
"Ban lãnh đạo quyết tâm rà soát lại tất cả các chi phí mà mình tiết giảm được, để cung cấp cho khách hàng với giá tốt cũng như chất lượng tốt", ông Hàng Quốc Định - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Thủy sản Đại Thành nói.
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN).
Thống kê đến cuối tháng 10, diện tích nuôi mới cá tra ở ĐBSCL hơn 5.300 ha. Con số này tăng gần gấp đôi so với diện tích nuôi mới của cùng kỳ năm ngoái. Một khi xuất khẩu thuận lợi khả năng vùng nuôi sẽ mở rộng thêm. Nhu cầu con giống chất lượng, đảm bảo đủ chuẩn quy định của các nước nhập khẩu càng được quan tâm hàng đầu.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho hay: "Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành như Viện nuôi trồng thủy sản 2, phối hợp với các Sở NN-PTNT các tỉnh làm sao triển khai và có đủ nguồn lực để đảm bảo sản xuất con giống đạt tiêu chuẩn cho chuỗi cung ứng cá tra của ĐBSCL".
Quy định hàng hóa của các nước nhập khẩu cá tra đòi hỏi ngày càng cao trong chuỗi cung ứng từ cá giống cho tới quy trình chế biến đạt quy chuẩn an toàn, chất lượng. Nguồn cá giống tốt, sạch bệnh còn thiết thực nâng cao hiệu quả đầu tư. Lợi thế cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng cá tra sẽ càng phát huy tốt hơn.
VTV.vn - Người nuôi cá và doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng thị trường nhập khẩu sẽ khởi sắc để ngành cá tra đạt mục tiêu xuất khẩu 1,77 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.24584549021113202-gnat-ad-ial-yal-art-ac-uahk-taux/et-hnik/nv.vtv