Một trong những thứ "tưởng chừng" đó là máy tiện năm trục tiên tiến, có thể dùng để tạo ra các tuốc bin nhiều cánh, theo báo Nikkei Asia của Nhật Bản.
Đường đi phức tạp
Hồi tuần trước, Nikkei Asia đã công bố một điều tra dựa trên các nguồn mở Internet của Trung Quốc. Cuộc điều tra dẫn tới những thông tin cho thấy các máy tiện năm trục và thiết bị cơ khí tiên tiến của Nhật Bản, phương Tây có thể đã góp vai trò quan trọng vào chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Các tuốc bin hàng trăm cánh được tạo ra nhờ các máy tiện năm trục tiên tiến sẽ được sử dụng trong máy bơm phân tử. Những máy bơm như vậy sẽ là một phần của máy quang phổ khối để kiểm tra trạng thái của các phân tử. Thiết bị này sẽ loại bỏ không khí nhằm phân tích nồng độ và thành phần của vật liệu hạt nhân trong môi trường chân không nhân tạo, tương đương với không gian cách tầng bình lưu từ 90 - 250km.
Bằng cách sử dụng các phân tích lặp đi lặp lại, uranium-235 hoặc plutonium-239 với nồng độ trên 90% có thể được tạo ra, mức cần thiết cho việc vũ khí hóa vật liệu hạt nhân.
Cuộc điều tra của Nikkei Asia nhắm đến Học viện Vật lý kỹ thuật Trung Quốc (CAEP), nơi được cho là đóng góp không ít chất xám cho chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Trong số hơn 900 đơn hàng của CAEP từ tháng 1-2022 đến tháng 7-2023, Nikkei Asia nhận thấy có khoảng 140 đơn hàng là những thiết bị nhiều khả năng nằm trong quy định hạn chế xuất khẩu cho người dùng cuối là quân đội.
Trong số này có khoảng 108 đơn hàng là các thiết bị hoặc công nghệ đến từ Nhật Bản, châu Âu, Mỹ và vùng lãnh thổ Đài Loan. 63 trong số đó là các thiết bị cơ khí tiên tiến nhưng không nằm trong diện kiểm soát xuất khẩu.
Chính điều đó đã tạo điều kiện để quân đội Trung Quốc tiếp cận, theo Nikkei Asia. Thoạt đầu, các công ty dân sự Trung Quốc sẽ nhập khẩu những thiết bị cơ khí này từ phương Tây. Sau nhiều bước đi, bao gồm việc gọi thầu công khai trong các dự án của Chính phủ, những thiết bị này sẽ được chuyển giao và trở thành một phần trong chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Khi được liên hệ, một số công ty sản xuất các thiết bị này tỏ ra bất ngờ về việc CAEP có được các thiết bị trên. Một số từ chối bình luận, trong khi số khác nói rằng quá khó để kiểm soát được người dùng cuối của thiết bị là ai.
Chính quyền Nhật Bản vào cuộc
Những gì nêu trên là một phần trong chiến lược "dung hợp quân - dân" (MCF) của Trung Quốc mà các nước phương Tây đang cố gắng khắc chế thời gian qua.
Chiến lược này hướng tới việc phát triển nhanh chóng quân đội Trung Quốc, đưa nó trở thành đội quân hiện đại và đẳng cấp thế giới trong thời gian ngắn nhờ các công nghệ dân sự phù hợp với mục tiêu quân sự. Trung Quốc đã thành lập Ủy ban phát triển hợp nhất quân sự - dân sự trung ương, chịu trách nhiệm phát triển MCF kể từ năm 2017.
Sau bài điều tra của Nikkei Asia, Chính phủ Nhật Bản đã bắn tin đang xem xét tăng cường kiểm soát xuất khẩu nhắm vào các công nghệ có khả năng ứng dụng quân sự.
Đại diện cơ quan kiểm soát thương mại của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết: "Chúng tôi có kế hoạch đảm bảo rằng các công ty đang làm những gì họ cần làm để ngăn chặn việc ứng dụng các công nghệ lưỡng dụng vào quân sự".
Một ủy ban cố vấn của bộ này đã bắt đầu thảo luận về vấn đề từ ngày 1-11, tức là trước khi bài điều tra của Nikkei Asia được công bố. Mục đích nhằm tăng cường hiệu quả của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, ngăn chặn việc chuyển hướng người dùng cuối từ dân sự sang quân sự trong bối cảnh các lĩnh vực công nghệ lưỡng dụng ngày càng mở rộng.
"Điều quan trọng đối với Nhật Bản, quốc gia sở hữu các công nghệ tiên tiến và nhạy cảm, là phải đánh giá chương trình kiểm soát xuất khẩu và các quy định", Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno phát biểu trong cuộc họp báo vào hôm 10-11.
Trước đây, Nhật Bản đã yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với một số thiết bị cơ khí và đưa ra các quy định xuất khẩu nghiêm ngặt. Mỹ cũng đã đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen, cáo buộc những doanh nghiệp này là bình phong cho quân đội Trung Quốc tiếp cận các công nghệ, thiết bị tiên tiến của nước này.
Nhưng khi các phương thức nhập khẩu hàng hóa ngày càng trở nên phức tạp, nguy cơ các công nghệ và hàng hóa quan trọng bị chuyển sang sử dụng cho quân sự ngày càng rõ rệt.
Hiện Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa có bình luận gì về bài điều tra của Nikkei Asia. Bài điều tra của Nikkei Asia cùng các động thái của Nhật Bản, rộng hơn là phương Tây, cho thấy nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc đạt được mục tiêu xây dựng quân đội đẳng cấp thế giới.
Nó cũng phơi bày lỗ hổng trong việc kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản và các nước. Mặt khác, nó cũng cho thấy sự lo ngại của các nước này trước những bước tiến nhanh chóng của Trung Quốc trong công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là lực lượng hạt nhân.
Trung Quốc có khoảng 500 đầu đạn hạt nhân
Theo một báo cáo từ Lầu Năm Góc, Trung Quốc trong năm 2023 có khoảng 500 đầu đạn hạt nhân và có kế hoạch gia tăng lên hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030 - tốc độ tăng nhanh hơn dự kiến.
Trong khi đó, Mỹ và Nga đang sở hữu lần lượt 3.700 và 4.500 đầu đạn hạt nhân.
Theo thông tin từ một tài liệu mà Chính phủ Nga công bố hôm 9-11, Matxcơva đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận ngừng sử dụng vũ khí hạt nhân với Nhật Bản.