Dự kiến ngày 16-11 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ họp cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sau khi QH đã dành một ngày (3-11) để thảo luận tại hội trường.
Một trong những điểm đáng chú ý của lần thảo luận tại kỳ họp này là trong bản dự thảo trình QH cho ý kiến có tới 16 nội dung lớn được thiết kế 2-3 phương án như: Quy định quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất (SDĐ) ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch SDĐ các cấp; thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ…
Chưa kể, với một số nội dung thiết kế một phương án, nhiều đại biểu (ĐB) vẫn còn tranh luận, chưa đạt được sự thống nhất cao.
Mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất lúa
Trong số hai nội dung mà dự thảo thiết kế ba phương án thì quy định về việc mở rộng cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa khiến nhiều ĐB băn khoăn về điều kiện thực hiện quyền.
Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều. Nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, hoàn thiện thêm và cơ bản đã có phương án tối ưu như: Thu hồi đất; điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hằng năm…
Dự thảo luật đưa ra ba phương án xin ý kiến QH: Hoặc là không giới hạn về điều kiện; hoặc là cá nhân phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án SDĐ trồng lúa (trừ trường hợp tặng cho người thuộc hàng thừa kế); hoặc là chỉ phải thành lập tổ chức kinh tế khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định.
Theo UBTVQH, việc mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp cần hết sức thận trọng; nhất là trong điều kiện pháp luật chưa có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, đầu cơ đất… như yêu cầu tại Nghị quyết 18-NQ/TW.
Thảo luận tại hội trường, ĐB Nguyễn Hữu Chính (TP Hà Nội) nói quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án SDĐ trồng lúa sẽ tránh được trường hợp cá nhân trục lợi, thu gom đất nhằm tích trữ, đầu cơ, tạo thị trường ảo.
Trong khi đó, ĐB Đặng Hồng Sỹ (tỉnh Bình Thuận) thì cho rằng nếu giới hạn điều kiện nhận chuyển nhượng thì sẽ không đảm bảo quyền bình đẳng của công dân trong tiếp cận nguồn đất đai.
Một số ĐB khác thì đồng tình với phương án phải thành lập tổ chức kinh tế khi nhận chuyển nhượng vượt hạn mức.
ĐB Bế Minh Đức (tỉnh Cao Bằng) nêu thực tế ở địa phương cũng như các tỉnh miền núi nói chung, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Đại đa số công chức, viên chức, lao động hợp đồng 68 hay công nhân thì ngoài giờ làm việc hưởng lương vẫn sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, trồng màu, tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống.
Thế nhưng Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định cán bộ, công chức, viên chức không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp.
Hay như ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương), bà Nga cho rằng quy định chỉ giới hạn khi nhận chuyển nhượng vượt hạn mức cởi mở hơn nhưng vẫn hạn chế được sự tích tụ đầu cơ đất trồng lúa quá lớn của những đối tượng không sản xuất thực sự trên đất trồng lúa.
Xây nhà ở thương mại: Thu hồi đất hay thỏa thuận?
Thêm một nội dung khác mà nhiều ĐB tranh luận là việc Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại hay để chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân.
Theo dự thảo, Nhà nước sẽ thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại theo hai phương án: (1) Thông qua đấu giá quyền SDĐ, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có SDĐ; (2) Thu hồi theo điều kiện, tiêu chí cụ thể.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng song song quy định việc thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền SDĐ cho các dự án nhà ở thương mại nói trên.
Phát biểu ý kiến, ĐB Phạm Văn Thịnh (tỉnh Bắc Giang) cho rằng nếu thực hiện các dự án nhà ở thương mại theo hình thức nhận chuyển nhượng quyền SDĐ thì “không bao giờ thực hiện được”. Bởi vì sẽ có rất nhiều ý kiến của người dân và khi đã thực hiện theo phương án thỏa thuận, mỗi người dân có thể nêu ra một giá.
“Thực tiễn hiện nay nếu như chúng ta vẫn còn duy trì song song hai hình thức là vừa thu hồi vừa nhận chuyển nhượng thì sẽ tạo ra những bất hợp lý trong xã hội” - ĐB Thịnh nói và nêu thực tế trên cùng một mảnh đất nhưng có hai giá khác nhau, “giá nhà nước thì thấp và giá thương mại thì lại rất cao”.
Về vấn đề này, trước đây khi các cơ quan, tổ chức tại TP.HCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của dự thảo luật, nhiều ý kiến cũng cho rằng cơ chế thỏa thuận bộc lộ nhiều điểm hạn chế khi Nhà nước hoàn toàn không can thiệp gì vào quá trình thỏa thuận.
Bởi thực tế xuất hiện tình trạng chủ đầu tư dự án đã thỏa thuận được 90% nhưng phần còn lại không thể thỏa thuận do người có đất đưa ra các đòi hỏi vô lý. Điều này không chỉ làm nản lòng nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ, chất lượng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong khi đó, ĐB Bế Minh Đức (tỉnh Cao Bằng) thì đề nghị bỏ quy định việc Nhà nước thu hồi đất làm nhà ở thương mại.
Theo ông Đức, dự án nhà ở thương mại chủ yếu mang lại giá trị lợi nhuận cho nhà đầu tư. Do đó, nên áp dụng cơ chế tự thỏa thuận để đạt được sự đồng thuận giữa người dân và chủ đầu tư cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Tuy nhiên, ĐB tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị dự thảo luật cần quy định cơ chế để giải quyết trường hợp chủ đầu tư không thể thỏa thuận hết với người dân.
ĐB HOÀNG VĂN CƯỜNG, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội:
Nếu nội dung chưa đạt thì không cần vội vàng thông qua
Qua phiên thảo luận tại hội trường vừa qua về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tôi thấy có nhiều ĐBQH phát biểu các ý kiến rất trăn trở với dự luật.
Đối với tôi, kể cả vấn đề đơn giản nhất hiện nay là thu hồi đất, hay là để cho người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như thế nào… cần phải được làm rõ.
Hiện nay, chúng ta đang quy định theo kiểu liệt kê các trường hợp thu hồi đất. Cách liệt kê như thế tôi thấy không ổn, không bao quát. Mặt khác, theo dự thảo thì chúng ta cảm nhận thấy người bị thu hồi đất sẽ là người thiệt thòi, họ rất sợ bị thu hồi đất. Điều này là không thỏa đáng, không đúng với tinh thần của Nghị quyết 18.
Nghị quyết đã đưa ra nguyên tắc là phải đảm bảo cho người bị thu hồi đất có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Điều này là rất đúng.
Vì vậy, không lý do gì thu hồi đất để phát triển các công trình công cộng, quốc gia mà lại làm cho cuộc sống của những người dân đó bị ảnh hưởng xấu đi. Vậy ngay từ chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chúng ta cũng phải hướng đến mục tiêu đó, chứ không phải chỉ quy đổi ra bao nhiêu tiền để trả cho người dân xong là hết. Đó là những vấn đề mà cá nhân tôi cảm thấy còn băn khoăn, trăn trở.
Bây giờ phải tùy thuộc xem ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu đến đâu, phương án giải trình như thế nào.
Nếu phương án tiếp thu mà thỏa đáng đối với phần lớn ĐBQH thì tôi nghĩ dự luật sẽ thông qua được. Thế nhưng thời gian điều chỉnh trong 10 ngày, quãng nghỉ giữa hai đợt của kỳ họp thứ sáu này, mà nội dung luật vẫn không đạt được như mong muốn thì theo tôi nghĩ cũng không nên vội vàng thông qua.
ĐB NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH, Đoàn ĐBQH TP.HCM:
Cần thận trọng, thảo luận thật kỹ rồi mới thông qua
Quan điểm của UBTVQH là chỉ những vấn đề đã chín, đã rõ mới đưa vào dự thảo. Trong khi dự thảo hiện nay có nhiều phương án 2, thậm chí phương án 3 nên số lượng ĐB còn ý kiến khác rất nhiều.
Luật Đất đai là một luật cực kỳ khó, ảnh hưởng đến hầu như tất cả chủ thể trong xã hội. Nếu thông qua dự thảo ngay trong kỳ họp này mà gỡ được tất cả vấn đề người dân kỳ vọng thì là quá tốt. Còn nếu không được, tôi nghĩ có thể thêm một kỳ họp nữa.
Thứ nhất là để các ĐBQH thấy được ý kiến của mình đã được cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét. Ngược lại, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng có thêm thời gian để nghiên cứu, tiếp thu. Bởi Luật Đất đai không thể tiếp thu trong ngày một ngày hai, cần thật thận trọng, thảo luận thật kỹ.
TRỌNG PHÚ - NGUYỄN QUÝ ghi