Bỉ mạnh tay giải quyết tình trạng nhà bỏ trống
Tại châu Âu, nếu như năm 2016, cứ 6 bất động sản thì có 1 căn bị bỏ trống, tương đương tỷ lệ 16%. Theo cập nhật mới nhất từ OECD, tỷ lệ nhà bị bỏ trống hậu đại dịch dù có giảm, song vẫn ở mức khoảng 12%. Hiện Bỉ đang là một trong số các quốc gia châu Âu mạnh tay nhất xử lý nạn nhà bỏ không.
Báo chí Bỉ tuần trước đưa tin, một người có nhà bỏ không ở trung tâm thành phố Brussels trong hơn 3 năm liền đã bị toà án bắt buộc phải cho thuê hoặc bán căn nhà đó. Tờ Le Soir của Bỉ ra hôm tuần trước có bài về chủ một căn nhà bỏ trống bị toà kết án, do đã để căn nhà trong tình trạng bỏ không quá 3 năm, vi phạm luật lệ của thành phố Brussels.
Theo bài báo, ngôi nhà toạ lạc trong một khu phố trung tâm. Chính quyền thành phố đã gửi thư cảnh báo chủ nhà, sau một đợt rà soát hành chính vào cuối năm 2021, rằng căn nhà đó đã bị bỏ không hơn 12 tháng. Suốt trong 2 năm tiếp theo, chủ nhà đã án binh bất động, không cho thuê, cũng không bán, tiếp tục để căn nhà đó trong tình trạng bỏ hoang.
Tháng trước, Toà án Brussels đã ra phán quyết cho chủ nhà thêm 3 tháng nữa, sau thời hạn đó mà vẫn không làm gì sẽ bị phạt 100 Euro mỗi ngày (2,5 triệu đồng) cứ thế cho tới khi thi hành án. Đại diện chính quyền thành phố bình luận rằng bỏ không bất động sản trong nhiều năm làm giảm nguồn cung, làm tăng giá thuê nhà và không khác gì đầu cơ bất động sản, không thể chấp nhận được.
Nhiều quốc gia trên thế giới mạnh tay xử lý nhà bỏ trống.
Vụ việc làm cho độc giả châu Âu nhớ tới kết quả một cuộc điều tra vừa công bố tại Anh. Báo chí nước này dùng từ "khủng hoảng" đối với tình trạng nhà bỏ trống. Một tờ báo viết trong khi giá thuê nhà tại Vương quốc Anh tăng tới 5,1% trong 12 tháng qua và nhu cầu về chỗ ở ngày càng tăng, điều tra toàn quốc cho biết có tới hơn 760.000 bất động sản không có người ở.
Tờ báo nhận thấy là tỷ lệ nhà bỏ trống cao hơn tại những địa danh đẹp nhất, người giàu từ nơi khác tới đó mua căn nhà thứ hai thứ ba, tác động mạnh đến thị trường bất động sản địa phương làm cho người dân địa phương không mua được chỗ ở trên chính quê hương của mình.
Để biết nhà có người ở hay không, các nước châu Âu thường rà soát hoá đơn điện nước. Tờ Jornal de Notícias của Bồ Đào Nha có bài "Không dùng điện nước tố cáo nhà bỏ không". Bài báo cho biết từ năm 2019, Bồ Đào Nha bắt buộc các công ty viễn thông, khí đốt, nước và điện phải thông báo cho chính quyền thành phố biết ngôi nhà nào không phát sinh hoá đơn hoặc hoá đơn thấp phi lý.
Tây Ban Nha cũng dùng thuế cao để thúc ép đưa nhà bỏ trống vào lại thị trường mua bán hoặc thị trường cho thuê. Tờ Faro de Vigo ra cuối tháng trước viết: "Chủ sở hữu có hai căn nhà trống trở lên tại thành phố biển A Estrada sẽ phải đóng thêm 150% thuế bất động sản", nói cách khác là phải đóng thuế gấp 2 lần rưỡi. Bài báo viết: "Ngoài tác dụng tăng thu cho thành phố, biện pháp này còn thúc đẩy sử dụng hiệu quả quỹ nhà ở địa phương, giúp cho thị trường nhà ở thêm sôi động".
Pháp tăng mạnh thuế đánh vào nhà bỏ trống
Không chỉ Bỉ hay Tây Ban Nha đang mạnh tay xử lý nạn nhà bỏ trống, nước Pháp vừa sửa đổi luật để áp thêm một sắc thuế mới lên nhà bỏ trống kể từ đầu năm sau. Đây là một biện pháp siết chặt thêm sau khi đã quyết định tăng thuế đánh vào nhà bỏ trống.
Thuế đánh vào nhà bỏ trống tăng từ 12,5% lên 17% giá trị cho thuê trong năm đầu tiên. Những năm sau vẫn không đến ở, không cho thuê, không bán, thuế tăng từ 25% trước đây lên 34% giá trị cho thuê. Nước Pháp đánh thuế nhà bỏ trống ngoài mục đích tăng thu ngân sách, còn nhằm điều tiết thị trường bất động sản và giảm bất bình đẳng xã hội.
Paris và vùng ngoại ô có tới hơn 700.000 người phải đăng ký thuê hoặc mua nhà ở xã hội. Thời gian từ khi nộp đơn đến khi vào được nhà là 2 năm, trong khi đó số lượng nhà bỏ trống tại Pháp lên tới 40.000 căn. Mức thuế mới hy vọng sẽ làm thay đổi phần nào tình hình.
5,5 triệu căn nhà bỏ trống ở Mỹ
Hiện tỷ lệ nhà bỏ trống tại 50 thành phố lớn nhất nước Mỹ đã lên tới 5,5 triệu căn nhà. Số liệu trên được nêu trong một nghiên cứu của Công ty cho vay trực tuyến Lending Tree, dựa trên cuộc "Khảo sát cộng đồng người Mỹ" mới nhất của Cục Điều tra dân số nước này.
Khảo sát cho thấy, tỷ lệ nhà bỏ trống cao nhất là tại ba thành phố New Orleans, Miami và Tampa với hơn 600.000 căn. Số nhà bỏ trống ở các thành phố lớn tại Mỹ đều là sản phẩm thứ cấp, bao gồm cả những căn đang chờ cho thuê, bị tịch thu hoặc là tài sản đầu tư.
Hiện tỷ lệ nhà bỏ trống tại 50 thành phố lớn nhất nước Mỹ đã lên tới 5,5 triệu căn nhà.
Trong số những nhà bỏ trống có lượng lớn các căn nghỉ dưỡng, phục vụ nhu cầu sử dụng theo mùa và chủ nhà không sử dụng thường xuyên.
Người dân địa phương cho rằng nhiều người mua bất động sản làm ngôi nhà thứ hai rồi cho thuê trên Airbnb đang góp phần vào tình trạng thiếu nhà ở và góp phần đẩy giá nhà lên cao.
Giải pháp được nhiều thành phố tại Mỹ ủng hộ đó là xem xét lệnh cấm cho thuê Airbnbs (hình thức cho thuê dịch vụ lưu trú ngắn ngày) với bất động sản thứ hai. Còn với thành phố San Francisco, chính quyền địa phương đã thông qua việc áp mức thuế rất cao từ 2.500 đến 20.000 USD/căn hộ bỏ trống, qua đó kiên quyết xử lý nạn nhà bỏ không tại đây.
VTV.vn - Tờ Nihon Keizai Shimbun của Nhật Bản đưa tin tình hình thiếu nguồn cung nhà ở tại Mỹ đang đẩy giá nhà ở nước này tăng cao, gây khó khăn cho người Mỹ trong việc sở hữu nhà.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.58460520131113202-gnort-ob-ahn-euht-hnad-yat-hnam-aig-couq-ueihn/et-hnik/nv.vtv