Tới thời điểm này, có lẽ bất cứ người nào có ý định mua xe điện đều biết rằng chúng có giá khó tiếp cận hơn đáng kể so với xe chạy động cơ (nhất là xe có tầm vận hành 500km mỗi lần sạc trở lên). Vậy, tới khi nào người dùng toàn cầu mới có thể tiếp cận xe điện giá rẻ?
Autocar trao đổi với Andy Palmer, cựu COO Nissan và cũng là người quản lý dự án xe điện Leaf trước đây để tìm hiểu vấn đề trên.
Theo vị cựu COO Nissan, ở thời điểm Nissan Leaf mở bán lần đầu vào năm 2010, giá bán xe còn không đủ để bù tiền mua chất liệu chế tạo, chưa nói tới công sản xuất. Hãng chấp nhận lỗ để chiếm lấy tiên cơ thị trường xe điện, giống cách Toyota từng làm với Prius trong phân khúc hybrid.
Ở thời điểm đó, chi phí sản xuất pin Nissan dùng lên tới 1.000 USD mỗi kWh. Sau gần 15 năm phát triển công nghệ pin, giờ mức chi phí trung bình trên toàn thị trường được ông ước tính đã giảm còn 150 USD mỗi kWh. Với mức chi phí này, một pin điện trung bình có dung lượng 60 kWh đã ngốn 9.000 USD chi phí.
Kết hợp với chi phí trung bình để sản xuất một chiếc ô tô cùng các chi phí ngoài như từ đại lý, giá xe điện trung bình rơi vào khoảng 41.500 USD (đó là chưa tính lãi cho nhà sản xuất). Đây vẫn là con số quá cao với nhiều người dùng, xét tới việc một mẫu xe xăng giá rẻ thường có giá khởi điểm thấp hơn 20.000 USD.
Để có một mẫu xe điện ở tầm giá chấp nhận được, chi phí sản xuất pin phải giảm xuống còn khoảng 80 USD/kWh. Tuy vậy, công nghệ chế tạo pin đang trong giai đoạn chậm lại vì đã chạm tới giới hạn của công nghệ sẵn có. Bởi vậy, tỉ lệ trên có lẽ phải một vài năm nữa mới có thể đạt tới.
Một giải pháp cho các hãng xe giảm giá xe điện là hạ kích thước pin. Với chi phí 150 USD/kWh, pin 24 kWh cho phép hãng hạ giá xe xuống 20.000 USD mà không lỗ. Tuy nhiên, tầm vận hành xe khi đó rất kém, lại khiến người tiêu dùng dè chừng.
Với cơ sở hạ tầng phục vụ đủ tốt cho xe điện, xe điện dùng pin nhỏ không phải là vấn đề quá lớn. Dù vậy, chưa quốc gia nào có cơ sở hạ tầng đạt được mức trên ở thời điểm hiện tại, bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ.
Khi cơ sở hạ tầng phát triển tới một mức nhất định, giá xe điện cũng sẽ hạ nhiệt dần khi cuộc đua dung lượng không còn gay gắt như bây giờ.
Một giải pháp đang được người Trung Quốc áp dụng rất thành công là thay pin lithium-ion bằng pin lithium sắt phốt phát (LFP). Chất liệu này giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất pin và là nguyên nhân lớn nhất giúp BYD thành công như hiện tại. Trong tương lai, những chất liệu mới để sản xuất pin có thể xuất hiện hứa hẹn tiếp tục giảm chi phí sản xuất trang bị này.
Người dùng đang có ý định mua xe điện cần cân nhắc rất kỹ để mua mẫu xe có tầm phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình. Việc mua xe có pin quá lớn vừa khiến họ tiêu tốn nhiều tiền mua hơn, vừa tăng chi phí có thể xảy đến trong tương lai (chẳng hạn tiền thay pin).
Một giải pháp mà người dùng có thể cân nhắc là các hãng xe có các dịch vụ thuê pin như VinFast để không phải lo lắng ở mảng này.
Trong khi đội hình xe điện đời mới vẫn đang rất hạn chế, Toyota lại tăng trưởng kỷ lục nhờ những mẫu xe hybrid.