Những đánh giá tích cực của Fitch, Moody’s cho thấy ACB là một ngân hàng duy trì được mức độ tăng trưởng ổn định, có khả năng duy trì sự phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong điều kiện kinh tế đầy thách thức.
Fitch và Moody’s là hai tổ chức đánh giá tín nhiệm uy tín trên thế giới, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các ngân hàng và doanh nghiệp. Trong năm 2023, Fitch và Moody’s đều đánh giá cao hoạt động kinh doanh của ACB với chất lượng tài sản vững chắc, khả năng sinh lời tốt và năng lực quản trị rủi ro cao.
Theo báo cáo của Fitch Ratings, xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của ACB duy trì ở mức "BB-" (ổn định), được củng cố bởi xếp hạng VR, khi các tiêu chuẩn cấp tín dụng ổn định đã giúp duy trì mức độ nợ xấu ở mức kiểm soát và dưới mức trung bình ngành dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Tổ chức Fitch Ratings - một trong các tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín quốc tế đã công bố xếp hạng tín nhiệm ACB ở mức "BB-" (triển vọng ổn định)
Fitch nhận định ACB có chất lượng khoản vay tốt, hồ sơ tín dụng ổn định hơn so với các ngân hàng khác khi tập trung vào cho vay mảng bán lẻ. ACB có danh mục đầu tư an toàn, không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp và dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ nên không bị ảnh hưởng bởi hai lĩnh vực này.
Với năng lực quản trị rủi ro tốt, ACB hiện là ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất ngành, mặc dù tăng lên 1,2% nhưng vẫn dưới mức trung bình ngành. Fitch kỳ vọng các chỉ số chất lượng tài sản của ACB sẽ duy trì ổn định trong thời gian 12-18 tháng tới khi kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn.
Chung nhận định về triển vọng ổn định, Moody’s duy trì xếp hạng Ba3 cho ACB về tiền gửi và phát hành tiền tệ dài hạn bằng nội tệ (LC) và ngoại tệ (FC) (LT), cũng như đánh giá tín dụng của ngân hàng. ACB cũng được đánh giá cao về năng lực tài chính với khả năng sinh lời, tỉ lệ an toàn vốn và tỉ lệ an toàn vốn cấp một đều vượt xa yêu cầu tối thiểu của Ngân hàng nhà nước.
Moody’s cũng nhận định vốn hóa của ACB đã được cải thiện trong vài năm qua, được hỗ trợ bởi khả năng duy trì vốn và khả năng sinh lời cao hơn, với vốn chủ sở hữu chung hữu hình (TCE) tính theo phần trăm tài sản có rủi ro (RWA) tăng lên 11,4% vào cuối tháng 6-2023.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng Fitch và Moody’s vẫn giữ mức đánh giá "triển vọng ổn định" với ACB cho thấy mức độ tin cậy của các tổ chức với hoạt động của ngân hàng. Từ những đánh giá khách quan và độc lập từ hai tổ chức Fitch và Moody’s, ACB tiếp tục chứng minh năng lực phát triển bền vững, có thể đối phó được với những biến động kinh tế và tài chính trong nước với thế mạnh về tăng trưởng tín dụng, chất lượng tài sản cũng như hiệu quả kinh doanh.
Với kết quả kinh doanh 9 tháng công bố vừa qua, ACB là ngân hàng tư nhân hiếm hoi đạt mức lợi nhuận tăng trưởng trong bối cảnh nhiều ngân hàng giảm lợi nhuận so với cùng kỳ khi ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 15.000 tỉ đồng, đạt 75% kế hoạch cả năm. Mức sinh lời của ACB hiện thuộc tốp cao nhất thị trường, với ROE ở mức 24,5%.
Không chỉ kinh doanh hiệu quả, ACB còn là ngân hàng tiên phong thực hiện ESG (phát triển bền vững) khi lồng ghép 3 yếu tố E - Environmental (Môi trường), S - Social (Xã hội) và G - Governance (Quản trị) vào chiến lược của ngân hàng, hướng đến việc tăng trưởng đều đặn và bền vững để đáp ứng kỳ vọng của cổ đông, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, xây dựng và duy trì môi trường làm việc có sức thu hút, động viên và giữ chân nhân tài. Mới đây, ACB đã chính thức phát hành Báo cáo Phát triển bền vững 2022, trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam công bố báo cáo riêng về Phát triển bền vững (ESG).