Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Trung ương cần hỗ trợ địa phương tăng lương
Cuối tuần qua, trong ngày làm việc cuối cùng của đợt 1, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội thông qua 2 nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.
Theo Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, từ ngày 1/7/2024, Quốc hội yêu cầu thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.
“Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở”, Nghị quyết nêu rõ.
Số tiền chi cho cải cách tiền lương và điều chỉnh lương hưu, một số chế độ phụ cấp, chính sách an sinh xã hội là 74.048 tỷ đồng. Chính phủ chú thích, kinh phí đảm bảo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cả năm 2024 và thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024 đã bao gồm 19.040 tỷ đồng thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách địa phương năm 2023 sang năm 2024, chưa bao gồm khoảng 30.000 tỷ đồng dự kiến sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi Quốc hội bấm nút cả hai nội dung này đều đề cập khá nhiều về nguồn lực thực hiện chính sách về tiền lương.
Theo đó, có ý kiến đề nghị Trung ương hỗ trợ các địa phương, nhất là các địa phương chưa tự cân đối ngân sách, thực hiện chính sách tăng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng, lên 1,8 triệu đồng/tháng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, việc thực hiện nâng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp . Theo đó, hằng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách chính sách tiền lương.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, đến nay, tổng quỹ cải cách tiền lương là 486.000 tỷ đồng, trong đó, quỹ cải cách tiền lương nguồn ngân sách trung ương khoảng 112.000 tỷ đồng và ngân sách địa phương khoảng 374.000 tỷ đồng.
Ông Mạnh cho biết, khi ban hành các chính sách, Trung ương cũng đã cân nhắc nhiều khía cạnh, bổ sung có mục tiêu cho các địa phương, nhất là các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để thực hiện các chính sách này.
Để bảo đảm khả năng triển khai thực hiện các chính sách, mặc dù ngân sách Trung ương còn khó khăn, song tại Dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 đã bổ sung cân đối tăng 2% so với dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và bổ sung có mục tiêu cho một số địa phương để đảm bảo mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 không thấp hơn dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2023.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, cắt giảm, tiết kiệm triệt để những khoản chi không thực sự cần thiết để dành nguồn cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách khác do Trung ương ban hành.
Phải xử lý để không vi phạm cam kết
Khi thảo luận về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, một số ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ về khoản phân bổ để thanh toán tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2023, Quốc hội chưa quyết định phân bổ dự toán khoản 8.247 tỷ đồng để thanh toán tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn và đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán theo quy định tại Nghị quyết 42, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
“Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ vẫn chưa có tờ trình chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định. Do vậy, vẫn chưa phân bổ được khoản kinh phí trên”, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh báo cáo Quốc hội.
Vay để trả nợ gốc 290.829 tỷ đồng
Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 với số thu là 1.700.988 tỷ đồng, tổng số chi là 2.119.428 tỷ đồng, mức bội chi 399.400 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP, gồm bội chi ngân sách trung ương là 372.900 tỷ đồng (tương đương 3,4% GDP), bội chi ngân sách địa phương là 26.500 tỷ đồng (tương đương 0,2% GDP). Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 690.553 tỷ đồng, trong đó vay để bù đắp bội chi là 399.724 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc là 290.829 tỷ đồng.
Năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bố trí 9.653 tỷ đồng cho nhiệm vụ này.
“Chính phủ cần khẩn trương trình Quốc hội xem xét, quyết định bố trí để thanh toán tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong năm 2023”, báo cáo nêu rõ quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với đề xuất bố trí 9.653 tỷ đồng trong năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc phải bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn là vấn đề đã phát sinh trong nhiều năm qua, đến nay, cần phải xử lý để không vi phạm cam kết của Việt Nam.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, để bảo đảm nguồn lực xử lý vấn đề phát sinh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội đề nghị dành nguồn 9.653 tỷ đồng trong dự toán ngân sách trung ương năm 2024 để thực hiện bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn trên cơ sở Chính phủ xác định chính xác số liệu. Đồng thời, số liệu phải được kiểm toán do Kiểm toán Nhà nước thực hiện tương tự như quy định Quốc hội đã cho phép trong năm 2023.
Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước, bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, trật tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công, các nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo đúng quy định của pháp luật; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2024, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia các dự án đối tác công - tư (PPP), nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2024.
“Bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại được bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật”, Quốc hội lưu ý.
Quốc hội cũng yêu cầu siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Giai đoạn 2021 - 2025, chỉ thu được 26.000 - 27.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn
Trong những năm gần đây, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn thấp, nhiều năm không đạt dự toán. Dự toán năm 2023 xây dựng ở mức khá thận trọng (3.000 tỷ đồng). Tuy thực hiện 8 tháng ước đạt 7.400 tỷ đồng, bằng 246,7% dự toán, song ước thu cả năm bằng thu 8 tháng, chủ yếu do tăng thu nộp ngân sách tiền thoái vốn tại doanh nghiệp thuộc địa phương từ các năm trước. Điều này cho thấy, tình hình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2023 chưa được cải thiện, còn bất cập. Chính phủ dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 chỉ thu được khoảng 26.000 - 27.000 tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến việc cân đối nguồn cho đầu tư phát triển theo Nghị quyết 23.
- Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách