Nếu Jack Cheng đạt được tham vọng của mình, bất kỳ công ty nào cũng sẽ có thể làm được xe ô tô của chính họ, thậm chí không cần nhà cung cấp, kế hoạch chi tiết hay nhà máy nào.
Theo Cheng, họ có thể làm được điều đó, bằng việc thuê ngoài – mô hình kinh doanh vốn phổ biến trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng. Từ nhiều thập kỷ trước, các công ty như Sony và Apple đã nhận ra rằng họ sẽ dễ dàng hơn khi giao việc sản xuất những sản phẩm như máy PlayStations và iPhone cho những gã khổng lồ thuê ngoài sản xuất như Foxconn.
Cheng hiện là lãnh đạo một chi nhánh của Foxconn cho biết, có thể áp dụng cách tiếp cận tương tự với xe điện và giảm chi phí sản xuất. Giá là sự khác biệt lớn nhất giữa xe điện ở Mỹ, nơi một số mẫu xe đắt tiền hiện đang không bán được trên các đại lý. Còn ở Trung Quốc, theo nhóm nghiên cứu người tiêu dùng Jato Dynamics, nơi xe điện chiếm phần lớn thị trường và có giá trung bình thấp hơn một nửa so với ở Mỹ.
"Thế giới đang lãng phí quá nhiều thời gian vào việc chế tạo những bộ phận giống nhau và rồi chịu thua lỗ. Điều đó không có ý nghĩa gì cả", Cheng nói trong một cuộc phỏng vấn. "Tôi có thể lặp lại được thành công nhờ những gì học được ở Trung Quốc trong 20 năm qua".
Dẫu vậy, nhiều người trong ngành đặt câu hỏi liệu các nhà sản xuất ô tô có quan tâm đến một mô hình kinh doanh mới hay không vì từ lâu họ đã quen với việc tạo ra các thiết kế độc quyền và tự lắp ráp xe.
Các nhà sản xuất ô tô bao gồm General Motors, Volkswagen và Toyota đang xây dựng nền tảng xe điện mô-đun của riêng mình mà họ tin rằng sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh. Ví dụ, Toyota đang nghiên cứu các thiết kế để giúp xe điện trong tương lai có cabin rộng rãi hơn và phạm vi lái xe dài hơn.
Hiện tại, Cheng đang tập trung vào châu Á, nơi đang cảm nhận được sự khuấy động của cách tiếp cận mới. Hiện ông đã đồng sáng lập công ty khởi nghiệp xe điện NIO của Trung Quốc, công ty này sẽ tự thiết kế xe của họ nhưng hợp tác với một nhà sản xuất Trung Quốc khác để lắp ráp.
Cheng, 64 tuổi đã mang kinh nghiệm cả đời về ô tô vào việc thúc đẩy gia công phần mềm, bao gồm nhiều năm làm việc tại Ford Motor ở Trung Quốc và một vị trí tại Fiat.
Chi nhánh trực thuộc Foxconn mà Cheng hiện đang lãnh đạo có tên là Mobility in Harmony (MIH). Tại triển lãm ô tô Tokyo gần đây, hãng đã giới thiệu mẫu xe ba chỗ ngồi. Cheng cho biết MIH đang đàm phán với một số công ty quan tâm đến nền tảng của mình và coi các khách hàng doanh nghiệp ở Đông Nam Á là những khách hàng tiềm năng.
So với các phương tiện chạy bằng xăng, xe điện cần ít bộ phận hơn và có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào phần mềm. Như Cheng hình dung, MIH sẽ cung cấp cho khách hàng một gói phần mềm và bộ phận EV tiêu chuẩn hóa mà họ có thể tùy chỉnh. Nếu khách hàng muốn, MIH có thể giới thiệu họ với Foxconn hoặc các công ty khác để sản xuất ô tô.
Thế còn khách hàng tiềm năng lớn nhất trong số họ, doanh nghiệp mà người Trung Quốc gọi là "công ty trái cây" thì sao? Cheng cho biết cánh cửa của ông luôn rộng mở nếu Apple đến với kế hoạch xe điện. "Giống hệt với điện thoại", ông nói. "Chỉ cần nói cho tôi biết bạn muốn làm gì". Hiện Apple đã không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Foxconn đã tự xây dựng mình thành nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất thế giới với các trung tâm như "thành phố iPhone" rộng lớn ở miền trung Trung Quốc, nơi có thể sản xuất hàng trăm nghìn thiết bị mỗi ngày. Thất vọng với tỷ suất lợi nhuận thấp liên quan đến việc lắp ráp các sản phẩm của Apple, công ty cho biết họ hy vọng sẽ xây dựng hoạt động kinh doanh xe điện của mình thành một trụ cột tăng trưởng.
Mặc dù Foxconn có một số hoạt động kinh doanh với các nhà sản xuất ô tô của Mỹ nhưng phần lớn hoạt động sản xuất ô tô của họ là ở châu Á, nơi họ đã là nhà cung cấp cho Tesla. Trong những năm gần đây, tập đoàn này đã tích lũy mạng lưới các cơ sở sản xuất ô tô và phụ tùng ở Đông Nam Á, bao gồm khoản đầu tư 200 triệu USD vào Việt Nam được công bố vào tháng 5. Họ cũng đang xây dựng một nhà máy lắp ráp ô tô ở Thái Lan trong liên doanh với một công ty Thái Lan.
Foxconn chưa tiết lộ tổng mức đầu tư vào xe điện, nhưng các giám đốc điều hành cho biết họ đang đầu tư khoảng 600 triệu USD hàng năm vào các sáng kiến mới nhằm thúc đẩy xe điện.
Chủ tịch Foxconn Young Liu cho biết vào tháng 8 rằng Foxconn cũng đang tăng cường hoạt động ở Ấn Độ, nơi họ có kế hoạch khởi động các dự án linh kiện xe điện vào năm tới. Cheng cho biết ông cũng muốn lắp ráp xe điện ở Ấn Độ.
Ông cho biết tập đoàn MIH có hơn 2.000 công ty bao gồm các nhà cung cấp phụ tùng ô tô và phần mềm, đặt mục tiêu cung cấp linh kiện cho một nửa số xe điện trong vòng 3 đến 5 năm tới. Đó sẽ là bước đệm hướng tới mục tiêu rộng lớn hơn của Foxconn là sản xuất gần một nửa số xe điện trên thế giới.
Dĩ nhiên, MIH vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đạt được mục tiêu. MIH mới bắt đầu thực hiện các giao dịch với khách hàng, trong khi chi nhánh của Foxconn chỉ sản xuất một số ít mẫu xe điện.
Tại Mỹ, Foxconn có kế hoạch sản xuất Pear, một mẫu xe thể thao đa dụng được bán bởi công ty khởi nghiệp xe điện Fisker của Mỹ, bắt đầu từ năm 2025.
Năm ngoái, Foxconn bắt đầu sản xuất xe bán tải chạy điện cho Lordstown Motors tại một nhà máy ở Ohio mà họ mua lại từ công ty khởi nghiệp xe điện. Chín tháng sau, Lordstown nộp đơn xin phá sản, chỉ sản xuất được vài chục xe tải điện trước khi ngừng hoạt động.
Để thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ, Cheng cho biết tập đoàn sẽ cần sửa đổi nền tảng của mình cho những chiếc xe lớn hơn. Ông cho biết Foxconn và MIH cũng cần phải xây dựng thành tích của mình ở châu Á. Ông nói: "Chúng tôi có kinh nghiệm làm tất cả những việc này bằng máy tính và điện thoại. Chúng tôi biết cách tích hợp mọi thứ và đạt được mục tiêu sản xuất hàng loạt".
Theo: WSJ