vĐồng tin tức tài chính 365

Tiền Giang quyết tâm cải thiện Chỉ số PCI

2023-11-13 14:39

Kịp thời chấn chỉnh, quyết tâm cải thiện PCI

Năm 2022, PCI của Tiền Giang đạt 63,17 điểm, xếp vị trí 50/63 tỉnh, thành phố của cả nước, giảm 17 bậc so với năm 2021. Kết quả này không đạt kỳ vọng của lãnh đạo, chính quyền các cấp cũng như nhà đầu tư , doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tiền Giang đã đề ra mục tiêu và có những giải pháp, chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời, đồng bộ, trên tinh thần cải thiện PCI cũng chính là tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư, phục vụ hiệu quả doanh nghiệp, nhà đầu tư, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề và đối thoại doanh nghiệp, nhằm phân tích, đánh giá tình hình, tìm nguyên nhân làm giảm PCI. Đồng thời, đề nghị các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh nhận rõ những tồn tại, thách thức, kể cả những yếu kém khách quan và chủ quan, quyết tâm cải thiện và khắc phục nhanh, nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cùng với đó, đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, tạo niềm tin phát triển bền vững.

Tháng 6/2023, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND, đề ra các giải pháp cải thiện PCI với mục tiêu cụ thể là duy trì và tăng điểm các chỉ số: Chi phí thời gian, Cạnh tranh bình đẳng, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; quyết tâm cải thiện và tăng điểm các chỉ số bị giảm điểm trong năm 2022, như Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí không chính thức, Tính năng động và tiên phong của chính quyền, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, đến nay, các sở, ngành và địa phương căn cứ Kế hoạch số 216 đã triển khai xây dựng kế hoạch cụ thể, nhất là các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đến 142 tiêu chí thuộc 10 chỉ số thành phần.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Các giải pháp được đề ra nhằm cải thiện PCI của Tiền Giang mang tính thống nhất, đồng bộ từ lãnh đạo, chính quyền sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh đến chính quyền địa phương cơ sở và có tính khả thi cao.

Đơn cử, việc cải thiện Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang chủ trì để tiếp tục thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đầu tư. Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, rút ngắn thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp. Tỉnh hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp trực tuyến, đăng ký tài khoản ngân hàng , chữ ký số điện tử…; trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội và Cục Thuế xây dựng cơ chế phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp khai trình việc sử dụng lao động, đề nghị cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội và đăng ký hóa đơn; các thủ tục liên quan đến hóa đơn, kê khai thuế điện tử được thực hiện đồng thời trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức các đoàn đến thăm và làm việc với doanh nghiệp; các sở, ban, ngành và UBND các địa phương tích cực giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, hộ kinh doanh; kịp thời triển khai hiệu quả các chính sách, hướng dẫn hỗ trợ đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã tổ chức 2 cuộc gặp mặt đối thoại doanh nghiệp. Các kiến nghị tại buổi đối thoại được Chủ tịch UBND tỉnh giải đáp hoặc chỉ đạo các sở, ban, ngành giải đáp trực tiếp, ghi nhận và có hướng giải quyết cụ thể trong thời gian quy định. Đến nay, tất cả các kiến nghị đã được giải quyết dứt điểm.

Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các địa phương niêm yết đầy đủ các bộ thủ tục hành chính, công khai mức phí, lệ phí tại bộ phận một cửa nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân dễ tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính. Chủ động giải quyết thủ tục hành chính chuyên ngành thuộc lĩnh vực phụ trách sau đăng ký thành lập doanh nghiệp, để rút ngắn thời gian chính thức đi vào hoạt động cho doanh nghiệp; liên thông nhóm thủ tục hành chính, như cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép xây dựng, đủ điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, giấy phép lao động, thẻ tạm trú cho lao động nước ngoài, đánh giá tác động môi trường, chứng chỉ hành nghề...

Tiếp cận đất đai cũng là chỉ số quan trọng mà tỉnh cần cải thiện. Tỉnh đang rà soát, đề xuất các giải pháp, quy trình nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp xuống dưới 30 ngày. Giám sát việc chấp hành pháp luật, quy trình kiểm tra, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, môi trường và thực hiện việc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp... cũng là giải pháp hữu hiệu để Tiền Giang nâng cao chỉ số Tiếp cận đất đai.

Đối với Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tăng cường công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư các dự án trọng điểm, có thế mạnh của tỉnh; tiếp tục phát huy vai trò của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tham mưu xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy khởi nghiệp , phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, Tiền Giang tập trung thực hiện tốt công tác phát triển hạ tầng, tạo mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; phát triển nguồn nhân lực; hình thành các chuỗi giá trị; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ; đổi mới, chuyển giao công nghệ, phát triển thương hiệu; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch

Một số giải pháp khác nhằm nâng cao PCI cũng được tỉnh Tiền Giang chú trọng, như công khai và kịp thời công bố thông tin về các quy hoạch đã được phê duyệt, kế hoạch sử dụng đất, danh mục dự án mời gọi đầu tư; các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; các thông tin về chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp... trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc kịp thời cung cấp thông tin, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp và người dân; tăng cường kiểm tra công vụ; phòng, chống tham nhũng; công khai, minh bạch trong chỉ đạo điều hành...

Tỉnh luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu, đề xuất thuộc lĩnh vực phụ trách, hạn chế sự chồng chéo, đùn đẩy, tạo cơ hội hình thành các tiêu cực, nhũng nhiễu; kiểm tra, rà soát, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao gây khó khăn cho doanh nghiệp...

Xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, lãnh đạo chính quyền tỉnh Tiền Giang đã có nhiều kế hoạch, giải pháp đồng bộ để bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường. UBND tỉnh đã ban hành và triển khai các chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần thu hút đầu tư và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân phát triển, như Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 31/1/2023 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2023, Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 14/2/2023 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2023…

Tỉnh cũng thường xuyên rà soát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, tổng hợp và cung cấp thông tin việc làm đến người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đối với các chỉ số tăng điểm của năm 2022, như Chi phí thời gian, Cạnh tranh bình đẳng, Thiết chế pháp lý, An ninh trật tự, tỉnh cũng đề ra các giải pháp nhằm duy trì và tăng điểm trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo.

Tiền Giang quyết tâm tạo bứt phá về điểm số và thứ hạng PCI, tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh nhằm thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2023, Tiền Giang quyết tâm đưa PCI đạt 65,9 điểm, tăng 2,72 điểm so năm 2022, nằm trong nhóm khá của cả nước, xếp thứ 30 - 35 trên bảng xếp hạng PCI. Cùng với đó, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của PCI; tăng cường trách nhiệm của các sở, ban, ngành và địa phương trong việc nâng cao thứ bậc xếp hạng PCI của tỉnh, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Xem thêm: lmth.997333tsop-icp-os-ihc-neiht-iac-mat-teyuq-gnaig-neit/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Tiền Giang quyết tâm cải thiện Chỉ số PCI”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools