Như Tuổi Trẻ phản ánh, tình trạng nhiều người xả rác bừa bãi ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) vào mỗi dịp tập trung đông người, nhất là cuối tuần, tồn tại đã lâu.
Theo số liệu của Công ty TNHH MTV Công ích quận 1, đơn vị đảm bảo công tác dọn dẹp vệ sinh tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, lượng rác xả ra vào cuối tuần dao động 10 - 20 tấn ở khu vực này.
Cũng theo đơn vị này, dịp cuối tuần đơn vị còn xịt nước rửa đường và phố đi bộ bởi rác phát sinh rất khủng khiếp, nhiều người thiếu ý thức ăn uống xong bỏ rác tại chỗ.
Xả rác đang là vấn nạn nhức nhối
Đâu chỉ ở phố đi bộ Nguyễn Huệ mới gặp vấn nạn xả rác bừa bãi. Tình trạng này phổ biến ở hầu như tất cả địa điểm du lịch, khu vui chơi công cộng.
Đây là tình trạng chung tại các điểm công cộng. Tất cả đều do giáo dục mà ra. Giáo dục ở đây là giáo dục từ gia đình và nhà trường. Chúng ta thiếu cả hai. Đừng tưởng xả rác là chuyện nhỏ".
Bạn đọc Hy viết: "Rác đang là vấn nạn nhức nhối. Đâu đâu cũng thấy rác. Khẩn thiết mong mỏi Nhà nước bắt tay vào xử lý triệt để. Yêu cầu các hộ dân, công ty, trụ sở không để rác bừa bãi trước cửa. Giao cho dân phòng tuần tra, đồng thời được quyền xử phạt những cá nhân xả rác".
Còn bạn đọc nick name Coc viết: "Có thể nói là ý thức kém cực kỳ không chỉ ở phố đi bộ Nguyễn Huệ mà là ở nhiều điểm công cộng trên cả nước. Những thói xấu đó như một bản năng khi hút thuốc lá là ném không cần biết có vật dễ cháy trong thùng rác không, hoặc như chở con ngoài đường thì vượt đèn đỏ, ném rác trước mặt con…".
Tương tự, bạn đọc TVT chia sẻ: "Tôi có ông bạn nước ngoài về chơi tâm sự: Ở Việt Nam cái gì cũng tốt từ an ninh trật tự, người dân hiếu khách, hàng ăn phong phú, cảnh quan rất đẹp,… nhưng sợ nhất là ra đường chạy xe, ô nhiễm môi trường và nhất là ý thức người dân về độ xả rác…".
So sánh thêm, bạn đọc Do Phuc viết: "Bên Đài Loan thùng rác chỉ có ở những nơi tập trung và ngay các cửa hàng chứ không nhiều như Việt Nam nhưng đường phố Đài Loan sạch sẽ, người dân ăn uống xong tự giác đem rác về những nơi tập trung. Vi phạm bị xử phạt nặng, đâu còn cách nào khác ngoài việc tuyên truyền và xử phạt".
Chế tài việc xả rác quá nhẹ, không đủ sức răn đe
Bạn đọc Pha SiL phản hồi: "Do sự quản lý yếu kém của cơ quan chức năng cộng với ý thức kém của người dân nên có cảnh như thế. Người dân không ý thức được, chỉ còn một cách là phạt tiền thật nặng cộng với lao động công ích, có như thế mới mong xã hội văn minh sạch đẹp được".
Cùng suy nghĩ, bạn đọc Peter Phan bổ sung: "Những việc gây mất vệ sinh nơi công cộng đang nhởn nhơ ở phố đi bộ. Nguyên nhân chính là do chế tài còn quá nhẹ. Như ở Singapore mà xả miếng rác ra là ăn biên bản phạt liền".
Cũng theo bạn đọc Peter Phan: "Chế tài nhẹ và hình thức nên các anh công an, trật tự đô thị cũng nản chí khi muốn phạt những tội danh này".
Có ý kiến thêm, bạn đọc Nguyen Sinh bức xúc: "Chỉ có một khúc đường, lại ở "trung tâm của trung tâm", bộ mặt của TP.HCM mà không xử lý được tình trạng hàng rong và xả rác, đủ thấy trình độ quản lý của chính quyền và ý thức của người dân đến đâu".
Và bạn đọc Duc Tai hiến kế: "Đừng tìm cách đổ thừa nữa, hãy bắt tay vào quản lý và có chế tài chặt chẽ. Camera đã có sẵn rồi đó. Trích xuất, phạt tiền thật nặng, bắt lao động công ích 1 tháng, đánh cho vài roi. Đảm bảo sạch rác và ý thức cũng sạch".
Còn bạn đọc Thắng Nguyễn đề nghị: "Theo tôi, chính quyền TP.HCM nên có quy định xử phạt thật cao đối với hành vi xả rác, ngoài phạt tiền nên bắt đi dọn rác 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày tùy theo mức độ vi phạm".
Ngoài ra, cũng theo bạn đọc này: "Ngoài việc phạt nặng tội xả rác, cần có quy định rõ ràng, chặt chẽ và nghiêm khắc với những người mang chó, mèo ra nơi công cộng".
Cuối cùng, để giữ gìn vẻ mỹ quan cho TP.HCM, bạn đọc nick name Bob đề nghị: "Thành phố cần có thêm nhiều chương trình/phong trào tuyên truyền và vận động để nâng cao ý thức người dân cùng thực hiện việc bỏ rác đúng nơi quy định trên toàn thành phố chứ không chỉ ở phố đi bộ.
Ngoài ra, cũng ý thức giữ gìn vệ sinh trên mặt cầu, vỉa hè vì rác vứt quá nhiều, không công nhân nào thu gom cho hết được".
TTO - Nhiều bạn đọc cho rằng dù có đủ quy định, từ: “Cấm câu cá, cấm xả rác, cấm tụ tập bán hàng, cấm tiểu bậy….”, nhưng có một thực tế là chỗ nào có bảng "cấm" vẫn không dẹp được, ngược lại có chiều hướng tăng lên. Tại sao?