Wolfgang Schubert-Raab, giám đốc điều hành của Công ty xây dựng Raab, nhớ lại thời kỳ bùng nổ đến mức công ty của ông xây nhà không kịp đáp ứng nhu cầu.
“Trở lại năm 2021, trước khi đổ mét khối bê tông đầu tiên, chúng tôi đã nhận được lời đề nghị mua hơn một nửa khu phức hợp”, ông cho biết.
Chỉ 2 năm sau, thị trường xây dựng nhà ở rơi vào trạng thái mà Schubert-Raab mô tả là “suy sụp hoàn toàn”.
Theo báo Financial Times, các công ty xây dựng nhà trên khắp nước Đức đang phải đối mặt với sự đảo chiều mạnh mẽ. Việc xây dựng khu dân cư đã rơi vào cơn lốc suy thoái. Điều này có nguy cơ gây ra những hậu quả rộng lớn hơn trên toàn bộ nền kinh tế của Đức.
Ở Đức, hiện giá vật liệu xây dựng đắt hơn 40% so với trước đại dịch COVID-19, mức tăng lớn nhất ở châu Âu. Trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có 10 đợt tăng lãi suất liên tiếp, ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp xây dựng vốn dựa nhiều vào tín dụng.
Nhiều công ty đã tuyên bố vỡ nợ. Mục tiêu xây dựng 400.000 ngôi nhà mới/năm của Thủ tướng Olaf Scholz xem như khó thành hiện thực.
Tuần này, chính phủ liên bang kết hợp các cơ quan lập pháp tiểu bang để can thiệp và công bố một gói biện pháp nhằm đẩy nhanh việc xây dựng nhà ở.
Bộ trưởng Xây dựng Klara Geywitz cho biết gói biện pháp được công bố sẽ đẩy nhanh quá trình hồi sinh cho ngành bằng cách giảm bớt các rào cản quan liêu và pháp lý với các nhà xây dựng.
“Để nhà ở giá rẻ được xây dựng nhanh hơn, chúng tôi cần nhanh hơn trong việc lập kế hoạch, phê duyệt và xây dựng", bà nói.
Felix Pakleppa, giám đốc điều hành ZDB, hiệp hội đại diện cho 35.000 công ty xây dựng, cho biết gói biện pháp này mang lại “một tia hy vọng” nhưng cần nhiều hơn thế.
Tuy nhiên, Tim-Oliver Müller - giám đốc điều hành của Liên đoàn Xây dựng Đức (HDB) - cho biết: “Dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, chúng tôi không tin rằng nó sẽ được triển khai nhanh chóng. Cấu trúc liên bang quá phức tạp để có thể làm được điều đó”.
Tình trạng thiếu nhà ở tiếp tục trầm trọng hơn
Sự mất niềm tin nghiêm trọng khiến thị trường xây dựng nhà ở của đất nước này trở thành một trong những thị trường có thành quả tồi tệ nhất châu Âu.
Số lượng giấy phép xây dựng được cấp ở Đức đã giảm nhanh hơn nhiều so với toàn khu vực.
Tháng 10, 22,2% công ty báo cáo các dự án bị hủy bỏ - nhiều nhất kể từ khi Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo ở Munich bắt đầu ghi nhận con số này vào năm 1991.
Klaus Wohlrabe, người đứng đầu cuộc khảo sát tại Ifo, cho biết: “Mọi chuyện ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Trong lĩnh vực xây dựng khu dân cư, hoạt động kinh doanh mới vẫn rất thấp và lượng đơn đặt hàng tồn đọng của các công ty đang giảm dần”.
Đà giảm giá bất động sản tại Đức đã gây sức ép ngày càng lớn lên các công ty bất động sản nhưng không hỗ trợ được thị trường nhà đất đang gặp khó khăn.