Buồn bã gom nhặt từng quả cam rụng dưới gốc cây, ông Trần Thắng (ngụ xã Đức Hương, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), cho biết là người nhiều năm gắn bó với nghề trồng cam, nhưng chưa năm nào lại xảy ra hiện tượng cây cam rụng quả đầy vườn như thế này.
Tại hầu hết các gốc cam, quả rụng la liệt, thối rữa, buộc gia đình ông Thắng phải thu gom đem đi đổ, phòng ngừa sâu bệnh sau này.
Ông Thắng xót xa trước hình ảnh cây cam rụng quả đầy vườn
Ông Thắng cho hay các năm, vườn cam 900 cây gồm cam, chanh và cam bù của gia đình cho thu hoạch ít nhất từ 4-5 tấn quả. Tuy nhiên, năm nay toàn bộ diện tích trồng cam đã rụng khoảng 70% và chưa có dấu hiệu dừng lại. "Chưa thể khẳng định do nguyên nhân nào nhưng có thể là do đợt vừa qua nắng nóng gay gắt kéo dài, sau đó lại gặp mưa lớn liên tục, cộng với việc côn trùng gây hại khiến cho quả cam bị rụng ngập vườn như hiện tại, thiệt hại gần cả trăm triệu đồng, nhìn mà xót xa quá" - ông Thắng nói.
Cạm rụng quá nhiều, không thu gom kịp khiến nhiều quả bị hư hỏng, thối rữa
Theo tìm hiểu, những năm qua nhiều người dân tại các huyện như: Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ,…đã chuyển dịch mô hình kinh tế gia đình sang trồng cam rất lớn vì nhận thấy được tiềm năng cũng như lợi thế đất đai.
Bởi, họ nhận thấy nghề trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế gia đình rất cao. Tuy nhiên, tình trạng cam rụng quả hàng loạt đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập cũng như gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng cho người trồng cam và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế địa phương.
Một trong những gốc cam bị rụng quả gần hết của gia đình ông Thắng
Ông Phan Xuân Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Quang, cho hay sau khi nắm bắt được tình hình, đơn vị đã cùng chính quyền địa phương tới những vườn cam bị rụng quả nhiều, chia sẻ, vận động người dân tích cực chăm sóc, bảo vệ. "Cách tốt nhất để giảm thiểu cho cây cam không bị rụng quả lúc này là dùng bao bọc quả. Tuy nhiên với diện tích lớn việc bao phủ được nhanh chóng là rất khó nên cam năm nay rụng quả nhiều hơn", ông Nam thông tin thêm.
Được biết, trên toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có khoảng hơn 7.700 ha diện tích trồng cam, trong đó diện tích cây cam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap khoảng 2.000 ha. Cây cam được xem là một trong các cây trồng chủ lực, sản phẩm OCOP tiêu biểu, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân tại nhiều địa phương trong tỉnh này.
Để giảm thiểu cho cây không rụng quả người dân tiến hành bao bọc để bảo vệ khỏi côn trùng
Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, cho biết việc cây cam rụng quả vào mùa này là tất yếu. Tuy nhiên, năm nay hiện tượng cam rụng quả nhiều hơn thường lệ gây thiệt hại kinh tế cho người dân có nguyên nhân là do qua một thời gian nắng hạn gay gắt sau đó mưa to kéo dài, khiến cây cam bị úng nước. Ngoài ra, còn có thể kể tới một nguyên nhân nữa đó là tình trạng mưa ẩm nhiều làm phát sinh một số nấm bệnh, khi quả cam sắp chín có mùi thơm, vị ngọt, sẽ thu hút côn trùng tới chích hút, gây rụng quả.
"Hiện nay, đơn vị đang tập trung tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng lưới và bao bọc quả cam phòng ngừa sâu bệnh, côn trùng gây hại, thu hoạch sớm những diện tích cam đã chín" - ông Hà cho biết.
Xem thêm: mth.3084746131113202-aur-ioht-nouv-yad-gnur-auq-ihk-ax-tox-mac-gnort-iougn/et-hnik/nv.moc.dln