Chiều 13-11, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo vấn đề nhà ven, trên kênh rạch TP.HCM thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia.
Di dời nhà ven, trên kênh rạch chậm
Đặt vấn đề, ông Phạm Bình An, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, khẳng định nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10 nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra 7 chương trình đột phá, trong đó có chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, vấn đề di dời nhà ven, trên kênh rạch để tạo lập không gian đô thị sạch đẹp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thành phố.
"Tuy nhiên sau gần 10 năm triển khai, dù có nhiều nỗ lực nhưng tiến độ di dời nhà ven kênh rạch ở thành phố còn chậm. Giai đoạn 2016 - 2020 thành phố chỉ mới di dời được 2.479/20.000 căn, đạt 12,4%.
Thành phố đã có kế hoạch để di dời được 6.500 căn trong giai đoạn 2021 - 2025 kết hợp với các chương trình giải quyết ô nhiễm, chương trình nhà ở, đề án phát triển kè sông và kinh tế ven sông. Các vấn đề này rất cần ý kiến đóng góp của các chuyên gia cho thành phố", ông Bình An gợi mở.
Đóng góp ý kiến, tiến sĩ Dư Phước Tân, chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, cho hay hệ thống kênh rạch trong nội thành TP.HCM có 5 tuyến chính với tổng chiều dài hơn 105km, bảo đảm tưới tiêu cho 14.200ha.
Tuy nhiên theo thống kê từ năm 1993 đến nay thì kênh rạch đã bị thu hẹp với việc phát sinh hơn 65.000 căn nhà ven, trên kênh rạch cùng với vấn đề của phát triển đô thị.
Ông Tân cho biết từ năm 1993 đến 2020, việc di dời nhà ở ven, trên kênh rạch ở TP.HCM trải qua 5 giai đoạn với khoảng 38.000 căn đã giải tỏa. Nhìn chung tiến độ di dời là chậm, không đạt.
"Theo kế hoạch, dự kiến đến 2025 thành phố sẽ giải tỏa được 2.867 căn/tổng chỉ tiêu 6.500 căn, đạt tỉ lệ hơn 44%, chỉ tiêu trên vẫn là rất khiêm tốn…", ông Tân nói.
Vận dụng nghị quyết 98 để huy động vốn đầu tư
Kết quả đó của thành phố, theo ông Tân, một trong những khó khăn cơ bản là do nguồn vốn để di dời giải tỏa nhà ven, trên kênh rạch là rất lớn trong khi ngân sách TP còn eo hẹp.
Bên cạnh đó, các hình thức huy động xã hội hóa nguồn vốn như: đổi đất lấy hạ tầng (BT - điển hình là dự án Rạch Ụ Cây, quận 8); phương thức khai thác đất tại chỗ sau khi giải tỏa nhà ven, trên kênh rạch (điển hình như dự án bờ nam kênh Đôi, quận 8); phương thức khai thác đất đai mở rộng ranh dự án (dự án rạch Văn Thánh) vẫn còn các vướng mắc khiến kết quả chưa đạt.
Ngoài ra các dự án di dời, giải tỏa nhà ven, trên kênh rạch còn gặp phải nhiều khó khăn về pháp lý dự án, công tác thẩm định giá; khó khăn trong giải tỏa, đền bù, tái định cư; khó khăn trong phương án bảo đảm sinh kế cho người dân bị giải tỏa để người dân đồng thuận...
"Từ khi TP được triển khai nghị quyết 98, TP có thể vận dụng cơ chế linh hoạt về tài chính, ngân sách, nguồn thu để tập trung đầu tư cho các dự án di dời, giải tỏa nhà ven, trên kênh rạch. Đây là một trong những hướng ra để đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới", ông Tân đề xuất.
Một đề xuất được tiến sĩ Võ Kim Cương nêu ra tại hội thảo là việc di dời nhà ven, trên kênh rạch, việc cải tạo kênh rạch cần kết hợp chặt chẽ với dự án cải tạo đô thị của lưu vực.
"Quan điểm là các dự án đô thị này phải làm lớn và "chậm mà chắc", các dự án cần có tầm nhìn lớn về đô thị...", ông Kim Cương gợi mở.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng góp ý về giải pháp huy động tổng hợp nguồn vốn để thực hiện các dự án di dời nhà ven, trên kênh rạch.
Trong đó, ý kiến góp ý về cơ chế chuyển nhượng quyền phát triển không gian để giải quyết vấn đề nhà ở ven, trên kênh rạch vừa giải quyết được cơ chế vốn đầu tư vừa tạo ra các giá trị lớn hơn cho đô thị ven kênh rạch được nhiều chuyên gia lưu tâm.
TTO - Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nay đa số dự án di dời nhà trên và ven kênh, rạch ở TP chưa được bố trí vốn, không được lựa chọn là các dự án cấp bách, ưu tiên.