6 nghi phạm gồm giám đốc Bệnh viện Kiện Kiều đã bị cơ quan công tố bắt giữ sau khi họ bị tố bán giấy chứng sinh bất hợp pháp, theo thông báo ngày 12/11 của chính quyền thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc. Người tố cáo là một tình nguyện viên chống buôn người.
Bệnh viện Kiện Kiều ở tỉnh ở Hồ Bắc ngay sau đó đã bị tước bỏ tư cách cấp giấy chứng sinh, cũng như tiến hành các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Cơ quan kiểm tra kỷ luật và giám sát địa phương đã tiến hành điều tra đối với các quan chức, công chức liên quan, đồng thời đưa 13 cá nhân vào diện điều tra.
Tiếp theo Hồ Bắc, các vụ bán giấy chứng sinh cũng bị vạch trần ở Quảng Đông và Quảng Tây vào tuần trước. Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin hôm 11/11, giới chức thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông đã mở cuộc điều tra đối với Bệnh viện Phụ sản Phúc Ái Gia với cáo buộc bán giấy chứng sinh và áp dụng biện pháp cưỡng chế hình sự đối với phụ trách bệnh viện.
Trước đó, Ủy ban Y tế thành phố Nam Ninh, Quảng Tây cũng xác nhận với truyền thông nước này về việc đang điều tra các bệnh viện địa phương với cáo buộc tương tự. Một bệnh viện tại đây đã bị đình chỉ các dịch vụ sản phụ khoa và người phụ trách có liên quan đã bị bắt giữ, Tân Hoa xã cho biết.
Theo tình nguyện viên chống buôn người lấy tên là Thượng quan Chính nghĩa – người đã tố cáo các hành vi sai phạm trên của các cơ sở y tế, giám đốc Bệnh viện Kiện Kiều ở tỉnh Hồ Bắc đã kiếm được hơn 60.000 nhân dân tệ (8.241 USD) cho mỗi giấy chứng sinh, trong khi bệnh viện ở Phật Sơn, Quảng Đông đã bán giấy chứng sinh với giá 120.000 nhân dân tệ, bao gồm một bộ hồ sơ đầy đủ với giấy nhập viện và xác thực quá trình sinh con.
Ngay sau đó, nhiều cơ quan y tế ở các địa phương khác của Trung Quốc như Hà Bắc, Tứ Xuyên và Cát Lâm, cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác quản lý giấy chứng sinh tại các bệnh viện.
Cho đến nay, chỉ riêng tại Hồ Bắc, Quảng Tây và Quảng Đông, chính quyền địa phương đã mở các cuộc điều tra và ít nhất 10 nghi phạm đã bị bắt hoặc giam giữ hình sự.
Tại Trung Quốc, “chứng nhận y tế khi sinh” tức giấy chứng sinh là căn cứ y tế quan trọng để trẻ sơ sinh được đăng ký hộ khẩu. Một khi giấy chứng sinh được lập bằng cách giả mạo hoặc bất hợp pháp, điều đó có nghĩa là thông tin thật về trẻ sơ sinh đã bị xóa bỏ. Đây là hành động tiếp tay cho nạn buôn người và nhận con nuôi bất hợp pháp mà không bị pháp luật trừng trị.
Xem thêm: nhc.202148502311132881-hnis-gnuhc-yaig-nab-caig-tahp-ib-couq-gnurt-o-neiv-hneb-ueihn/nv.fefac