Nhận định trên được ông Ivan Alver, Đồng sáng lập Global M&A Partners, kiêm Đối tác và Chủ tịch Saga Corporate Finance (Na Uy) nêu khi chia sẻ bên lề Hội nghị GMAP ngày 13/11 tại TP HCM.
Global M&A Partners là hiệp hội gồm 30 công ty mua bán và sáp nhập, hiện diện ở 50 thị trường châu Mỹ, Âu, châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị GMAP lần này được tổ chức để giúp giới đầu tư tìm hiểu và xác định chiến lược đầu tư tại Việt Nam.
Các chuyên gia đầu tư của GMAP đánh giá những năm qua, Việt Nam thành công thu hút đầu tư từ nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc nhưng còn thiếu vắng các khoản đầu tư của châu Âu và châu Mỹ.
Tuy nhiên, dòng vốn Âu - Mỹ hiện có tín hiệu tích cực nhờ nơi đây lợi thế chính trị ổn định, sức tiêu dùng đang tăng trưởng và chi phí nhân công cạnh tranh, theo ông Ivan. "Các nhà đầu tư đang dịch chuyển sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam", ông giải thích.
Ông Frederic De Boer, Đồng Chủ tịch GMAP và Đối tác công ty Zetra AG (Thụy Sĩ) cho biết đang có hai khách hàng về sản xuất cơ sở hạ tầng đã có cơ sở tại Trung Quốc và đang được công ty M&A này tư vấn tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam.
"Chúng tôi nhận thấy các nhà đầu tư châu Âu bị hấp dẫn ở mảng sản xuất tại Việt Nam. Đã có một vài doanh nghiệp rót vốn vào đây và khả năng sẽ có một loạt doanh nghiệp khác đi theo xu hướng này", ông dự báo. Gần đây, dự án lớn của châu Âu tiêu biểu có nhà máy Lego trị giá một tỷ USD tại Bình Dương.
Trong khi đó, các nhà đầu tư lớn truyền thống như Nhật Bản vẫn chuộng đầu tư vào Việt Nam. Ông Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu RECOF, cho hay các nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến các lĩnh vực như sản xuất thực phẩm - tiêu dùng, bán lẻ, giáo dục, công nghệ tài chính phi ngân hàng và logistics. Riêng nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến logistics, đặc biệt là chuỗi cung ứng lạnh.
Xác nhận Việt Nam có chịu ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu nhưng ông Sam Yoshida cho rằng tình hình kinh tế Nhật Bản ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến nhà đầu tư do đồng yen mất giá và các ràng buộc kinh doanh với cổ đông. Do đó, việc mang tiền đi đầu tư nước ngoài, như Việt Nam, vẫn là lựa chọn tốt hơn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt hơn 25,7 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đầu năm đến nay, các nhà đầu tư Nhật Bản và Mỹ cũng góp mặt trong một số thương vụ M&A đáng chú ý, ví dụ như SMBC (Nhật Bản) chi 1,5 tỷ USD mua 15% cổ phần phát hành riêng lẻ của VPBank hay KKR Global Impact (Mỹ) đầu tư vào EQuest 120 triệu USD.
Các chuyên gia của RECOF cho hay nhà đầu tư Nhật Bản cũng để mắt đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng chưa nhiều hành động do quy mô thị trường này còn nhỏ và nhận thấy chưa có quy định thực sự đầy đủ đối với hoạt động mua lại một công ty đại chúng.
Để khơi thông thêm dòng vốn ngoại vào Việt Nam, đặc biệt qua hình thức M&A, ông Ivan Alver khuyến nghị môi trường chính sách phải thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thoái vốn.
"Khi rót tiền vào, nhà đầu tư cân nhắc phải lấy ra được. Việc thành lập doanh nghiệp và mua lại doanh nghiệp ở Việt Nam đã thuận lợi nhưng quy trình thoái vốn cần cải thiện và dễ dàng hơn để hấp dẫn giới đầu tư", ông nói.
Với các doanh nghiệp muốn bán mình, thông thường một thương vụ M&A sẽ mất trung bình 9 tháng. Do đó, chuyên gia này lưu ý doanh nghiệp cần có một đơn vị cố vấn từ trước ít nhất một năm để có khả năng so sánh, thương lượng được giá tốt và người mua phù hợp.
Viễn Thông