Thực hiện công điện 993 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, sáng nay, Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị "Tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội". Nhiều đề xuất, kiến nghị đã được doanh nghiệp đưa ra, chú yếu liên quan tới các điều kiện, thủ tục tiếp cận vốn và lãi suất.
Nhiều đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho vay bất động sản
Các doanh nghiệp nhận định lãi suất huy động hiện chỉ quanh 5,5 -6%/năm, đã giảm hơn 4% so với đầu năm nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng, mới giảm từ 1-2% tùy khoản vay.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Invest, cho biết: "Chúng ta đang chỉ cho vay tiền sử dụng, tiền thi công, trong khi tiền giải phóng mặt bằng thì chưa được cho vay, tuy nhiên trong lúc giải phóng mặt bằng là nguồn lực doanh nghiệp phải chi ra rất lớn. NHNN nên xem xét có tháo gỡ được vấn đề này hay khôn".
Liên quan đến gói 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, đến nay mới giải ngân được 105 tỷ đồng cho 3 dự án. Vướng mắc chủ yếu là nguồn cung còn hạn chế. Hiện có 54 dự án nằm trong danh mục, nhưng hơn 1 nửa (55%) không có nhu cầu vay vốn. 20% chưa đủ điều kiện pháp lý. Doanh nghiệp cho rằng, ngoài tín dụng, cần những giải pháp khác cho nhà ở xã hội.
Bà Lê Thùy Linh, Phó Chủ tịch CTCP Đầu tư IMG, cho biết: "Chúng tôi kiến nghị là vẫn vay của NHTM nhưng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 10%, như vậy sẽ phản ánh vào giá bán và lợi ích cuối cùng của doanh nghiệp và người dân".
Một số kiến nghị khác cũng được đưa ra, như giảm tỷ lệ vốn đối ứng cho doanh nghiệp khi vay vốn, hoặc NHNN giảm bớt hệ số rủi ro khi cho vay bất động sản để ngân hàng có dư địa cấp vốn thêm cho lĩnh vực này.
Ngân hàng tìm cách gỡ vốn bất động sản
Tại Hội nghị "Tín dụng đối với BĐS và phát triển nhà ở xã hội", các ngân hàng và doanh nghiệp đã cùng ngồi lại để tìm câu trả lời. Chuẩn an toàn vốn có thể không hạ nhưng những quy định có thể linh động được thì nên cân nhắc. Phía các ngân hàng thương mại đã đưa ra các lý giải, như là lãi suất cho vay giảm chậm hơn là do cơ cấu vốn chủ yếu là ngắn hạn, trong khi BĐS là vay trung dài hạn. Thậm chí, bản thân phía ngân hàng cũng có cái khó riêng, không thể giải ngân khi dự án chưa đủ điều kiện pháp lý.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV: Từ năm ngoái đến giờ duyệt khoảng 26 nghìn tỷ nhưng mới giải ngân được 8 nghìn tỷ, còn 18 nghìn tỷ thì chờ các thủ tục pháp lý mới giải ngân được. Rất nhiều thủ tục liên quan tới cấp phép xây dựng, giải phóng mặt bằng hay tiền sử dụng đất phải nộp.
Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MBBank: Các ngân hàng vẫn sàng sàng cho vay nhưng nếu pháp lý chưa xong thì ngân hàng không thể cho vay được. Người tiêu dùng chưa quay lại mua BĐS nên các doanh nghiệp không có đầu ra, đầu vào vướng pháp lý còn đầu ra không có nên thanh khoản nó yếu đi.
Riêng với quy định về tài sản đảm bảo, ngân hàng cho biết sẽ linh hoạt, không phải dự án nào cũng bắt buộc. Nhưng ngược lại, các doanh nghiệp cần minh bạch thông tin với ngân hàng.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank: Những dự án tiềm năng thì có thể ngân hàng không phải đòi thêm nhưng nếu dự án khó thì ngân hàng muốn tăng sự cam kết của chủ đầu tư vào cùng dự án. Thực tế là có nhiều dự án thời gian qua khi nó không thành công thì ngân hàng không biết bấu víu vào đâu, lúc đó, ngân hàng không có khả năng tự đi hoàn thiện dự án đó để cho vay, nên tài sản bổ sung là đặng chẳng đừng thôi.
Sự thận trọng của ngân hàng, một phần đến từ con số cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của tín dụng BĐS đến tháng 9 là 2,89%, đã tăng so với mức 1,72% cuối năm ngoái.
Ghi nhận các đề xuất tại hội nghị, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo Bộ Xây dựng, cùng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp, nắm bắt thực trạng khó khăn hiện nay của thị trường, đồng thời, rà soát các quy định, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu tiếp thu tất cả các ý kiến của các đồng ý, trên tinh thần cùng chia sẻ tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Thứ nhất liên quan tới đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục, thứ 2 là công tác quy hoạch, phải đảm bảo thống nhất và thứ 3 là liên quan tới thủ tục nhà ở, thứ 4 là các vướng mắc về pháp luật thì cơ quan chức năng đang trình.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Về các đề xuất như giảm hệ số rủi ro cho vay, là cơ chế chính sách, ngân hàng nhà nước yêu cầu vụ chức năng rà soát cái nào sửa được phải nêu rõ, cái nào không sửa được cũng phải nói rõ, tránh trường hợp là cứ nghe, các giải pháp tháo gỡ khó khăn không đe dọa an toàn ngân hàng.
Theo thống kê, tín dụng cho bất động sản đến cuối tháng 9 tăng 6,04%, thấp hơn so với mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế là khoảng 7%. Tuy nhiên, tín dụng cho kinh doanh bất động sản lại có mức tăng trưởng khá cao, 21,8%, cao gấp 3 lần mức tăng trưởng chung. Điều này cho thấy, các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS cũng đang dần phát huy hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.66182553231113202-nas-gnod-tab-gnourt-iht-ort-oh-gnud-nit-taht-tun-og/et-hnik/nv.vtv