Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ sáng 13.11, mưa lớn khiến mực nước sông Túy Loan dâng cao, gây ngập vùng trũng thấp trên địa bàn khu vực các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn (H.Hòa Vang). Đáng chú ý, nhiều khu dân cư thuộc xã Hòa Nhơn có nơi ngập sâu hơn 1 m.
Ông Phan Duy Anh, Phó chủ tịch UBND H.Hòa Vang, cho biết mưa lớn kéo dài hôm qua làm tuyến ĐT601 đoạn qua đèo La Ngà (xã Hòa Bắc, H.Hòa Vang) bị sạt lở taluy dương, giao thông bị tê liệt. Qua khảo sát ban đầu, điểm sạt lở dài khoảng 10 m, khối lượng sạt lở không lớn nhưng đất đá và cây cối đổ xuống vùi lấp mặt đường thảm nhựa qua tuyến ĐT601. Lực lượng chức năng đã tổ chức xử lý đất đá tại điểm sạt lở, đến chiều qua 13.11, các phương tiện giao thông cơ bản đã được di chuyển qua đoạn đường bị ảnh hưởng. "Dự kiến ngày 14.11, địa phương sẽ có cuộc họp với các sở, ngành liên quan để có phương án khắc phục sạt lở ở tuyến ĐT601", ông Phan Duy Anh nói.
Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan), mưa lớn kéo dài cũng gây sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Hòa Liên (địa phận H.Hòa Vang), tại vị trí Km 46+300. Đất đá trên taluy dương đổ xuống mặt đường, đây là những vị trí đã xảy ra sạt lở trước đó vào đợt mưa lớn kéo dài hồi giữa tháng 10. Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ VN) đã điều động công nhân túc trực tại hiện trường, xử lý theo hình thức sạt lở đến đâu thu dọn đến đó, bảo đảm phương tiện lưu thông an toàn qua cao tốc La Sơn - Túy Loan.
Để ứng phó với mưa lớn dự kiến kéo dài đến ngày 17.11, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.Đà Nẵng triển khai công tác ứng trực, huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó các tình huống nguy hiểm, ngập sâu tại khu dân cư, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, cứu nạn ngư dân, tàu thuyền trên biển. Đồng thời, chủ động phương án bố trí, di chuyển các phương tiện tàu thuyền về neo đậu tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (Q.Sơn Trà).
Hôm qua, Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng cũng đã yêu cầu các đơn vị sẵn sàng ứng phó với nguy cơ mưa lũ, ngập úng có thể xảy ra; tổ chức ứng trực, sẵn sàng huy động 100% quân số và huy động, trưng dụng phương tiện, trang thiết bị của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ngoài lực lượng để triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người dân khi có yêu cầu. Các đơn vị cũng được yêu cầu chủ động ứng trực, chốt chặn, phân luồng, hướng dẫn giao thông; không cho người dân và phương tiện lưu thông vào các tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở.
Tại Quảng Nam, hôm qua, mưa lớn kéo dài cũng gây ngập lụt nhiều đoạn đường ở trung tâm H.Đại Lộc, riêng tuyến đường trước Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam (đóng tại H.Đại Lộc) có đoạn ngập sâu hơn 1 m.
Hà Tĩnh: Mưa lớn kèm lốc xoáy gây ngập lụt và tốc mái nhà dân
Tại Hà Tĩnh, sáng 13.11, mưa lớn kéo dài khiến QL1A đoạn qua TT.Nghèn (H.Can Lộc) bị ngập cục bộ với chiều dài khoảng 200 m, khiến các phương tiện giao thông qua lại rất khó khăn. Lực lượng CSGT đã cắm biển cảnh báo và cắt cử cán bộ có mặt tại hiện trường để điều tiết và hướng dẫn các phương tiện để đảm bảo an toàn.
Mưa lớn cũng gây sạt lở mái taluy trên QL8A đoạn qua địa phận xã Sơn Châu và xã Sơn Kim 1 (H.Hương Sơn). Ngay sau xảy ra sự cố sạt lở, lực lượng chức năng đã huy động máy móc, phương tiện tiến hành dọn dẹp, khơi thông QL8A. Đến chiều tối hôm qua, QL8A đã được thông tuyến trở lại.
Cũng trong sáng 13.11, một trận lốc xoáy xảy ra trên địa bàn thôn Phù Ích (xã Ích Hậu, H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) làm tốc mái 17 nhà dân. Ban Chỉ huy quân sự H.Lộc Hà đã huy động gần 60 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương giúp người dân khắc phục hậu quả.
Trong ngày 13.11, mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ nhiều nhà dân, trường học trên địa bàn các huyện Can Lộc, Lộc Hà và TX.Hồng Lĩnh. Nhiều trường học trên địa bàn các huyện này cũng đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Phạm Đức