vĐồng tin tức tài chính 365

Đẩy mạnh hợp tác vận tải hành khách đường bộ quốc tế Việt - Trung

2023-11-14 12:13
Quang cảnh Phiên toàn thể tại Hội nghị.

Quang cảnh Phiên toàn thể tại Hội nghị.

Đó là thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ tại Phiên toàn thể của Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ 10, do TP. Hà Nội đăng cai tổ chức, ngày 13/11.

Thúc đẩy mở các cặp cửa khẩu song phương

Báo cáo tóm tắt về kết quả triển khai nội dung Biên bản Hội nghị hành lang kinh tế Việt - Trung lần thứ IX tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Năm 2023, sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, giao lưu hữu nghị giữa tỉnh Vân Nam với các tỉnh, thành dọc hành lang kinh tế dần nối lại và ngày càng gắn bó.

Tháng 8, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Lưu Quang đã dẫn đầu phái đoàn đến thăm Vân Nam và tham dự Hội chợ triển lãm Nam Trung Quốc lần thứ 7 và Hội chợ thương mại quốc tế Côn Minh lần thứ 27. Lãnh đạo các tỉnh, TP. Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai và các tỉnh, TP tháp tùng đoàn đi thăm Châu Hồng Hà, TP. Ngọc Tây và các địa phương khác của tỉnh Vân Nam có quan hệ giao lưu chặt chẽ với Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai và các tỉnh, thành phố khác và đã đạt được những kết quả tốt đẹp.

Hợp tác hành lang kinh tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các biện pháp thúc đẩy tiêu chuẩn hóa thương mại và tạo điều kiện công bằng cho các doanh nghiệp cả hai nước đã giúp tăng cường sự hợp tác kinh doanh.

Đã tổ chức một số hoạt động gắn kết, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm đạt chuẩn OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc (trong đó có các tỉnh thuộc hành lang kinh tế Việt - Trung là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai).

Hai bên cùng khôi phục, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan các mặt hàng nông sản, trái cây tươi tại cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai, Việt Nam) - Bắc Sơn (Hà Khẩu, Trung Quốc).

Mở rộng khu vực kho, bãi tập kết, kiểm tra hàng hóa, tăng cường lực lượng lao động bốc xếp; phối hợp triển khai vận hành “luồng ưu tiên” thông quan cho hàng nông sản qua cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai, Việt Nam) - Bắc Sơn (Hà Khẩu, Trung Quốc).

Triển khai Biên bản Hội đàm về việc vận chuyển hàng hóa hai chiều qua cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai, Việt Nam) - Bắc Sơn (Hà Khẩu, Trung Quốc).

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy mở các cặp cửa khẩu song phương (hoặc điểm thông quan của cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu) tại Mường Khương và Bản Vược. Cùng với đó, phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng tại khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc) và hình thành cặp chợ biên giới tại khu vực này.

Về hợp tác đầu tư, lũy kế đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 11 dự án FDI có vốn đầu tư từ Trung Quốc, với số vốn 387,2 triệu USD, trong đó có 5 dự án FDI đến từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với số vốn 377 triệu USD.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trình bày Báo cáo tại Phiên toàn thể ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trình bày Báo cáo tại Phiên toàn thể

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, tháng 11/2022, Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố trong “Tuyên bố chung về tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam” rằng hai bên đã nhất trí hoàn thành sớm rà soát quy hoạch đường sắt khổ tiêu chuẩn Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời tập trung đàm phán thỏa thuận thúc đẩy kế hoạch nối tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hà Khẩu.

Hợp tác và giao lưu văn hóa, thể thao có thể coi là một điểm sáng trong quan hệ giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) trong những năm gần đây với nhiều hoạt động sôi nổi, điển hình như: Giải đua xe đạp quốc tế một đường đua hai quốc gia; Chương trình “Ánh trăng Hồng Hà -Thơ Tết Trung Thu Trung Việt; trao tặng sách giữa Thư viện tỉnh Lào Cai với Thư viện Châu Hồng Hà và Thư viện Dân tộc huyện Hà Khẩu (Trung Quốc); Giao lưu hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc; Liên hoan hữu nghị nhân dân biên giới... Các chương trình được phối hợp luân phiên tổ chức tại hai nước.

Thông qua những hoạt động này, người dân hai nước có điều kiện hiểu sâu hơn về đất nước, văn hóa, phong tục tập quán của nhau, góp phần tăng cường hiểu biết, hữu nghị và hợp tác, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực khác, nhất là phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương của hai nước.

Hai bên phối hợp đẩy mạnh công tác kết nối, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch; thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị bàn về các giải pháp phát triển du lịch bền vững; tổ chức quảng bá xúc tiến du lịch thông qua Hội chợ Thương mại quốc tế Việt - Trung, Hội chợ Du lịch quốc tế Côn Minh...

Ngày 28/3/2023, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng cùng với châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị xúc tiến khởi động lại tuyến du lịch vàng “Hai quốc gia - Sáu điểm đến” của Trung Quốc và Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, báo cáo đánh giá, việc thiết lập cơ chế hợp tác chính thức giữa 5 tỉnh, thành phố của Việt Nam và Trung Quốc là một trong những sáng kiến tạo tiền đề và cơ sở cho các hoạt động giao lưu, hữu nghị, hợp tác đa dạng và phong phú giữa các địa phương.

“Có thể nói, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế Việt - Trung vẫn tích cực triển khai các hoạt động giao lưu phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Qua đó tăng cường tình hữu nghị và sự tin cậy giữa các bên, làm nền tảng cho các hoạt động thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại, lưu thông hàng hóa, góp phần phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Xây dựng cơ chế thúc đẩy liên kết vùng

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, để hình thức hợp tác giữa 5 tỉnh, TP phát huy hiệu quả và duy trì mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp trong thời gian tới, các địa phương liên quan cần đề ra các nội dung hợp tác thực chất, có tính khả thi, phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển và lợi ích của các bên.

Về phía TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã đề xuất các nội dung hợp tác cụ thể tại Phiên toàn thể như: duy trì tổ chức Hội nghị cấp cao giữa 5 tỉnh, TP luân phiên; đẩy mạnh hoạt động hợp tác của các nhóm, các cặp trong các lĩnh vực có thế mạnh; tích cực trao đổi, cung cấp thông tin và đôn đốc thực hiện các nội dung hợp tác.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế thúc đẩy liên kết vùng, tạo sức hút mạnh hơn về cung cầu và sức lan tỏa về công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không ngừng mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác đối ngoại thông qua những bản ký kết ghi nhớ, chương trình, dự án hợp tác cụ thể, thiết thực trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, giao thông vận tải, văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế…

Cùng với đó, các địa phương cùng đề nghị Chính phủ hai nước quan tâm sớm triển khai và đưa vào vận hành các tuyến vận tải liên quan đến toàn tuyến của hành lang, đặc biệt là tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn nhằm nâng cao năng lực vận tải trao đổi hàng hóa. Đẩy mạnh hợp tác vận tải hành khách đường bộ quốc tế.

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị các địa phương tăng cường cải cách hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và minh bạch, tạo điều kiện cho các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên trao đổi, ký kết hợp tác, thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch; tiếp tục hỗ trợ hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP;

Đồng thời, xây dựng tuyến điểm du lịch hấp dẫn, khai thác tối đa giá trị của di sản, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách; Hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành thủ tục về xuất nhập cảnh, đầu tư nâng cấp điểm đến, hỗ trợ khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác. Đẩy mạnh trao đổi việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông.

Ngoài ra, các tỉnh, TP cần đẩy mạnh mở rộng hợp tác tới cấp cơ sở; tích cực lan tỏa ảnh hưởng của Hành lang kinh tế tới các địa phương. Chính quyền mỗi tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho các sở, ban, ngành, quận, huyện thường xuyên gặp gỡ trao đổi công tác và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. Đề xuất cán bộ đầu mối hợp tác tại các cơ quan quản lý chuyên ngành, lĩnh vực để triển khai Thỏa thuận hợp tác đạt hiệu quả.

Phát biểu tại phiên toàn thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng cho biết, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Vân Nam tuy không có chung đường biên giới nhưng có nhiều ưu thế trong hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch dịch vụ, nông nghiệp, y tế giáo dục và văn hóa.

Trên tinh thần quán triệt, cụ thể hóa, triển khai có hiệu quả các nhận thức chung cấp cao quan trọng của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất các địa phương cần tích cực giao lưu, trao đổi đoàn cấp lãnh đạo tỉnh, cấp sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp với nội dung phong phú, thiết thực, hiệu quả và mang tính khả thi cao; tăng cường tham gia các hoạt động văn hoá, du lịch và lễ hội truyền thống giữa hai bên.

Đặc biệt, về kết nối giao thông, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị hai bên cùng tích cực hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp hai bên đầu tư trong lĩnh vực logistics nhằm khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông Tuyến cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, kết nối các cửa khẩu quốc tế quan trọng, tạo điều kiện xuất khẩu hàng hóa giữa hai nước nói chung và các địa phương thành viên hợp tác hành lang…

Xem thêm: lmth.638333tsop-gnurt-teiv-et-couq-ob-gnoud-hcahk-hnah-iat-nav-cat-poh-hnam-yad/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Đẩy mạnh hợp tác vận tải hành khách đường bộ quốc tế Việt - Trung”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools