Vào mùa du lịch cuối năm, người dân cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu rõ ràng trước khi đặt tour.
Đủ chiêu trò lừa đảo
Thời điểm cuối năm, nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch cho các kỳ nghĩ lễ, Tết tăng lên rất nhiều. Nhắm vào tâm lý này, không ít đối tượng xấu sử dụng các chiêu trò nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền như: Mạo danh thương hiệu, quảng cáo tour giá rẻ không có thật, làm nhiệm vụ quảng cáo… Trên thực tế, không ít người dân vì nhẹ dạ cả tin, đã trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo này, dẫn đến mất vài triệu đến vài trăm triệu trong ngậm ngùi xót của.
Các đối tượng lừa đảo giả danh Công ty Du lịch Việt để ký hợp đồng với người dân. |
Mới đây, Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt vừa phát đi thông báo về việc bị đối tượng xấu nhái tên thương hiệu, lừa đảo người khác gây thiệt hại đến khách hàng và uy tín của công ty. Theo đó, các đối tượng xấu dùng nhiều hình thức quảng cáo trên mạng xã hội để chào bán tour chương trình du lịch đi Nhật với mức giá “ảo” 6.999.000 đồng/người/hành trình 6 ngày.
Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Truyền thông Du Lịch Việt cho biết, không những thế, có một nạn nhân (Chị M - ngụ tại Đồng Nai) vừa mất hàng trăm triệu đồng ngày 5/11/2023 khi bị nhóm người xấu thêm vào nhóm làm nhiệm vụ, tương tác với bài viết trên mạng xã hội. Thực hiện nhiệm vụ được giao trong nửa ngày, các đối tượng yêu cầu chị M từ chuyển vài triệu đến 129 triệu đồng để xác minh đúng là người đang thực hiện nhiệm vụ mới cho rút tiền.
“Lúc này, các đối tượng đưa ra một bản cam kết hợp đồng giữa chị M với Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt Nam. Đáng nói, bản hợp đồng có đầy đủ thông tin, dấu mộc Công ty cổ phần Tập đoàn K-Global, chữ ký của Tổng giám đốc… nhưng lại sử dụng logo của Du lịch Việt. Và khi nạn nhân nạp tiền đến gần 300 triệu đồng thì nhóm đối tượng liền không trả lời nữa”, ông Vũ chia sẻ.
Ngoài ra, để tạo lòng tin, đối tượng tiếp cận công ty du lịch để cập nhật thông tin, giá, chính sách và lấy các hợp đồng và tiến hành mạo danh nhân viên doanh nghiệp du lịch, phòng vé máy bay... để đưa thông tin giả mạo, tài khoản giả cho du khách chuyển tiền vé hoặc tiền đặt cọc tour du lịch, đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin của người dân hòng chiếm đoạt tài sản.
Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Công ty cổ phần Công nghệ du lịch BestPrice chia sẻ: “Khách hàng chúng tôi bị đối tượng mạo danh công ty lừa đảo bán phòng khách sạn và mất 7 triệu đồng. Gần đây nhất, đối tượng tiếp tục mạo danh chúng tôi lừa đảo tuyển dụng đại lý, lần này số tiền khách hàng mất đến vài trăm triệu.”
Doanh nghiệp khuyến cáo người dân cảnh giác
Theo các doanh nghiệp lữ hành, ngoài chiếm đoạt tài sản của người dân thì trong bối cảnh phục hồi du lịch sau dịch, sự việc này sẽ gây tác động xấu đến tâm lý thị trường, ảnh hưởng các nỗ lực phục hồi kinh doanh của ngành du lịch nói riêng và thị trường nói chung.
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, một số doanh nghiệp tiến hành các thủ tục pháp lý để bảo vệ quyền lợi khách hàng, đối tác trong và ngoài nước. Trước đó, Công ty Du lịch TST Tourist đã phản ánh Công ty E. sao chép nhận diện thương hiệu cũng như giao diện website, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng lên Sở Du lịch TP.HCM. Qua đó, Sở Du lịch phối hợp với UBND quận Phú Nhuận (nơi Công ty E. đặt trụ sở chính) và UBND quận Tân Bình (nơi Công ty E. đặt văn phòng giao dịch) để xác minh và có hướng xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Ngoài ra, ông Phạm Anh Vũ mong muốn, trước khi tìm kiếm hoặc đăng ký các sản phẩm du lịch, du khách nên tìm hiểu kỹ chương trình, dịch vụ tour và lựa chọn những doanh nghiệp uy tín để đảm bảo cho chuyến đi được an toàn. Du khách có thể đề nghị phía doanh nghiệp cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ… của công ty lữ hành, du lịch.
Đặc biệt, người dân cần thận trọng với yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp tại trụ sở văn phòng công ty và đặc biệt cảnh giác với những lời hẹn thu tiền tại các điểm nhà hàng, quán cà phê...