Sắn và sản phẩm sắn cán đích tỷ USD sau 10 tháng xuất khẩu
Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gần 2,4 triệu tấn sắn và sản phẩm sắn, thu về gần 1,03 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu mặt hàng này giảm 6,4% về lượng và giảm 8,8% về giá trị.
Tính đến hết tháng 10 năm nay, sắn và sản phẩm sắn là 1 trong 9 mặt hàng (thủy sản (7,44 tỷ USD), rau quả (4,82 tỷ USD), cao su (2,37 tỷ USD), hạt điều (2,95 tỷ USD), cà phê (3,29 tỷ USD), gạo (3.95 tỷ USD), gỗ và lâm sản (10,91 tỷ USD), thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu (1,01 tỷ USD)) lọt vào “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” của ngành nông nghiệp.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất. Trong 10 tháng qua, Trung Quốc chi 929,6 triệu USD để mua gần 2,2 triệu tấn sắn và sản phẩm sắn, chiếm 90,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này của Việt Nam.
Đặc biệt, giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc ở mức 517 USD/tấn, tăng 11,5% so với tháng 9/2023 và tăng 20,2% so với tháng 10/2022. Lũy kế 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 2,18 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 929,57 triệu USD, giảm 6,2% về lượng và giảm 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc, sắn và sản phẩm sắn xếp thứ 5 về giá trị, đứng sau rau quả, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản.
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 545 - 560 USD/tấn, tại cảng Tp.HCM. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn ở mức 4.300 - 4.500 CNY/tấn (khoảng 320 USD/tấn). Giá xuất khẩu sắt lát sang thị trường Trung Quốc khoảng 285 USD/tấn, giao tại cảng Quy Nhơn.
Đáng chú ý, trong 10 tháng năm 2023, mặc dù lượng sắn xuất khẩu giảm, nhưng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang một số thị trường vẫn tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022 như: Thị trường Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản... Tuy nhiên các thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu sắn của cả nước.
Giá sắn tươi tại các tỉnh miền Bắc ổn định so với cuối tháng trước
Báo Công Thương dẫn nguồn Hiệp hội Sắn Việt Nam, đầu tháng 10/2023, giá sắn tươi tại các tỉnh miền Bắc ổn định so với cuối tháng trước, hiện giá thu mua dao động ở mức 2.400 - 2.450 đồng/kg. Tại các tỉnh miền Trung, giá sắn tươi được thu mua ở mức 2.400 - 2.600 đồng/kg. Giá sắn tươi thu mua tại Kon Tum dao động ở mức 2.900 - 3.100 đồng/kg. Giá tinh bột sắn và sắn lát xuất khẩu cũng ổn định so với cuối tháng trước.
Hiện các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 535-550 USD/tấn FOB cảng Tp.HCM. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn dao động ở mức 4.100 - 4.350 CNY/tấn. Trong khi đó, giá xuất khẩu sắt lát sang thị trường Trung Quốc khoảng 295 USD/tấn FOB Quy Nhơn; còn giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 335 USD/tấn FOB Quy Nhơn.
Về thị trường Trung Quốc, nước này sẽ áp dụng chính sách nhập khẩu cư dân biên giới từ ngày 1/11/2023. Theo đó, hàng hóa không thuộc loại hình gia công chế biến tại địa phương như bột sắn, lá chè khô, hạt điều và các mặt hàng tạp hàng khô khác sẽ không được áp dụng quy định thông quan đi thẳng “cả xe nhập, cả xe xuất” như thời gian vừa qua, mà khôi phục quy định mỗi người 8.000 NDT/ngày/ xe. Theo đó, phí đón hàng tại khu vực cửa khẩu bên phía Trung Quốc tăng khoảng 100 NDT/tấn chi phí bốc xếp, xe trung chuyển và tiền thuế, phí khác.
Dự báo năm nay, tình trạng mưa lớn kéo dài tại các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và cả Campuchia khiến chất lượng sắn thu hoạch kém hơn mọi năm. Dự kiến nguồn cung sắn lát khi bước vào vụ sản xuất tháng 12 sắp tới sẽ giảm, do dự báo nguồn nguyên liệu sắn củ tươi giảm mạnh.
Nhằm phát triển mặt hàng này, trong niên vụ 2023-2024, các đơn vị kinh doanh có thể phải tăng nhập khẩu sắn lát từ Lào và Campuchia về Việt Nam để đáp ứng cho nhu cầu của nhà máy thức ăn chăn nuôi trong nước, cũng như cho xuất khẩu.
Mục tiêu xuất khẩu sắn dài hạn
Ông Nghiêm Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam từng chia sẻ với Đại Đoàn Kết, cây sắn (khoai mì) là cây lương thực quan trọng thứ 3 của Việt Nam sau lúa, ngô (bắp). Tính đến nay, diện tích trồng sắn cả nước khoảng 530.000 ha/năm, tổng sản lượng trên 10 triệu tấn/năm. Cây sắn và ngành công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 1,2 triệu lao động, chủ yếu ở khu vực trung du, miền núi, đóng góp không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo, ổn định về kinh tế và xã hội.
10 năm trở lại đây ngành sắn Việt Nam phát triển nhanh. Kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng từ 0,958 tỷ USD năm 2018 lên gần 1,5 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu sắn, sau Thái Lan.
Cũng theo ông Tiến, mục tiêu xuất khẩu sắn đến năm 2028 sẽ đạt 2 tỷ USD/năm và tăng lên 2,5 tỷ USD/năm vào năm 2050. Tuy nhiên, để đạt được con số này, ngành sắn đang có 3 điểm yếu cần phải giải quyết là: xuất khẩu lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường; công nghệ chế biến còn lạc hậu, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu; mất cân đối giữa chế biến và vùng trồng sắn nguyên liệu…
Mặc dù là nước xuất khẩu sắn lớn thứ 3 trên thế giới tuy nhiên tiêu thụ sắn và sản phẩm sắn vẫn còn nhiều khâu trung gian, cạnh tranh quốc gia thấp do chi phí logistics của Việt Nam cao. Để nâng cao sức cạnh tranh, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành sắn cần phải khắc phục những điểm yếu, đồng thời cần đầu tư nâng cao chất lượng sắn xuất khẩu sang nhiều thị trường, đặc biệt là EU.
Trúc Chi (t/h)