Bác sĩ Diệp Thị Thanh Bình - phó chủ tịch Liên chi hội đái tháo đường và nội tiết TP.HCM - cho biết nguyên nhân của bệnh đái tháo đường rất phức tạp.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự gia tăng của bệnh đái tháo đường hiện nay một phần là do ngày càng nhiều người bị thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể chất.
Khi bệnh không kiểm soát được, theo thời gian sẽ gây tổn thương nghiêm trọng nhiều bộ phận của cơ thể, đặc biệt là dây thần kinh và mạch máu.
Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý nhằm đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, cân bằng đủ cả về số lượng và chất lượng để có thể kiểm soát đường huyết, duy trì cân nặng lý tưởng, ngăn ngừa diễn tiến và biến chứng.
Theo đó, người bệnh đái tháo đường nên hạn chế các loại đường đơn như đường cát, đường phèn, đường thốt nốt, đường mía, mật ong, bánh kẹo, nước ngọt, nước trái cây ép… Các loại củ như khoai sắn cũng cung cấp khá nhiều tinh bột. Nếu ăn các loại này, cần giảm hoặc cắt cơm.
Đồng thời hạn chế ăn các loại thịt nguội chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói, món rán…, chất béo bão hòa và các chất béo trans (chất béo động vật, thức ăn chế biến sẵn ở nhiệt độ cao).
Ưu tiên đạm từ trứng, sữa, các sản phẩm từ sữa, nên ăn cá, thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, các sản phẩm có nhiều chất béo không bão hòa (như dầu thực vật, dầu cá). Nên ăn rau nhiều hơn trong thực đơn của mình, thông qua các cách chế biến đơn giản như hấp, luộc, salad.
Tăng cường ăn trái cây tươi như bưởi, cam, quýt, táo, lê, nho xanh, thanh long, ổi, mận, dâu…
Người bệnh nên duy trì 3 bữa ăn chính trong ngày, đồng thời tăng cường thêm bữa phụ. Ở những nhóm người đặc biệt (suy dinh dưỡng, mang thai, tập luyện thể lực nặng-kéo dài, sử dụng insulin có nguy cơ hạ đường huyết, ăn qua ống thông…) cần bổ sung 1-3 bữa ăn phụ.
Lưu ý, khi ăn, người bệnh nên ăn chậm, nhai kỹ và trong bữa ăn nên ăn rau trước, ăn tinh bột cuối bữa ăn.
Bên cạnh ăn uống, người bệnh cần thay đổi lối sống, giảm cân ở người béo phì và duy trì cân nặng ở người không thừa cân như luyện tập 30 phút mỗi ngày tùy theo thể trạng của cơ thể.
Ăn nhiều thịt đỏ (thịt có màu đỏ khi chưa nấu chín thịt bò, thịt bê, thịt lợn, thịt nai, thịt cừu) có liên quan tăng nguy cơ đái tháo đường type 2.