Căng thẳng tìm việc
Theo Hãng tin Reuters, giới trẻ Trung Quốc đang đổ xô ứng tuyển vào các “công việc phúc lợi” vì không thể kiếm được việc làm đúng chuyên môn. Cuộc khủng hoảng thất nghiệp cũng khiến một số lượng lớn người trẻ có nguyện vọng học cao học tạm gác ý định và làm những công việc không yêu cầu bằng cấp khác.
Các tổ chức chính phủ tại quốc gia tỉ dân cung cấp “công việc phúc lợi” (nhân viên lễ tân, quản trị viên văn phòng, bảo vệ, nhân viên xã hội…) hàng năm cho các nhóm có hoàn cảnh khó khăn như người già hoặc người khuyết tật. Thế nhưng phần lớn số lượng đơn đăng ký làm các công việc nói trên trong năm 2023 lại đến từ người trẻ.
Ngay cả những vị trí ở các vùng nông thôn hẻo lánh cũng chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt của giới trẻ Trung Quốc. Thậm chí sinh viên đến từ những trường đại học đứng đầu quốc gia này cũng tham gia ứng tuyển.
Peter Liu, chàng trai 24 tuổi tốt nghiệp chuyên ngành sản xuất truyền hình tại một trường đại học ở Bắc Kinh, cho biết: “Thật sự rất khó để kiếm được việc làm ở các công ty lớn”.
Theo khảo sát của công ty tuyển dụng Liepin, giới trẻ Trung Quốc kỳ vọng mức lương trung bình cho công việc đầu tiên của họ rơi vào khoảng 8.033 nhân dân tệ (hơn 1.000 USD). Tuy nhiên con số trên thực tế lại thấp hơn nhiều. Một hợp đồng lao động kéo dài 1-3 năm tại quốc gia này thường chỉ được nhận mức lương tối thiểu khoảng 2.000-3.000 nhân dân tệ (275-412 USD).
Một sinh viên 23 tuổi tên Chen cho biết cô đã vượt qua rất nhiều ứng viên để giành được vị trí thư ký tại một trung tâm nông nghiệp địa phương ở thành phố Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc).
Cô gái chia sẻ rằng cô rất muốn trở thành giáo viên, thế nhưng: “Khoảng cách giữa ước mơ và thực tế của tôi là quá lớn”.
Vào tháng 6-2023, số lượng sinh viên mới tốt nghiệp không tìm được việc làm của Trung Quốc đã đạt kỷ lục lên đến 21,3%, tương đương 11,6 triệu người. Cục thống kê nước này sau đó đã bị đình chỉ, ngừng công bố dữ liệu về tình trạng thất nghiệp của thanh niên trong 4 tháng liên tiếp bắt đầu từ tháng 7-2023.
Không có thông số về công việc ngắn hạn và thực tập. Các chuyên gia dự đoán hai lựa chọn nghề nghiệp này sẽ trở thành nhu cầu mới trong một nền kinh tế đang chậm lại.
Chính phủ tìm cách giải quyết thất nghiệp
Anh Liu đã trở về quê nhà tại tỉnh Hà Nam để làm thủ thư cho một thư viện nhà nước - một trong những công việc thuộc chiến dịch đảm bảo việc làm tạm thời cho sinh viên tốt nghiệp do chính phủ Trung Quốc ban hành.
Các nhà phân tích khẳng định đây là giải pháp ngắn hạn nhằm duy trì sự ổn định xã hội trong bối cảnh nền kinh tế đang chậm lại, không có nhiều cơ hội dành cho giới trẻ Trung Quốc.
Theo Hãng tin Reuters, chính phủ Trung Quốc xem việc làm là mấu chốt để xoa dịu tình cảnh ảm đạm của giới trẻ ở thời điểm hiện tại.
Do đó, chính phủ Trung Quốc trong năm 2022 đã giảm bớt một số gánh nặng pháp lý đối với các công ty công nghệ, bất động sản và tài chính - những nơi thường xuyên tuyển dụng nhân tài mới. Dù vậy, các hãng truyền thông nhà nước vẫn khuyến khích sinh viên mới tốt nghiệp làm những công việc đòi hỏi tay nghề thấp.
Các chiến dịch do chính phủ quốc gia tỉ dân thực hiện chỉ có thể cung cấp 1/5 số việc làm ở khu vực thành thị, tạm thời giảm bớt áp lực kinh tế cho một bộ phận sinh viên tốt nghiệp đại học.
Ông Wang Jun, giám đốc kinh tế tại công ty quản lý tài sản Huatai, nhận định: “Tình trạng thất nghiệp ở thanh niên sẽ tồn tại khá lâu, ít nhất là từ 5 đến 10 năm”. Ông nói thêm rằng những công việc tạm thời sẽ “giảm bớt những xung đột xã hội do tình trạng thất nghiệp gây ra”.
Trung Quốc từng chứng kiến tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao vào đầu những năm 1980, cuối những năm 1970 và 1990.
Kể từ sau đại dịch COVID-19, người trẻ Trung Quốc không chỉ đối mặt với tình trạng thiếu thốn việc làm mà còn phải đương đầu với hàng loạt nỗi lo khác.
Theo báo cáo năm 2022 của Viện Khoa học về sức khỏe tâm thần sinh viên của Trung Quốc, có đến 42% thanh niên nước này mong muốn sống độc thân. Nhiều người trẻ Trung Quốc cũng dần từ bỏ quan niệm truyền thống “an cư lạc nghiệp” vì cạnh tranh khốc liệt trong giáo dục và việc làm. Họ lựa chọn chuyển sang lối sống buông xuôi, không tham vọng.
Nhiều bạn trẻ rải CV khắp nơi nhưng không được hồi âm. Nhiều người chấp nhận làm trái nghề để "chờ thời" hay tranh thủ học tiếp cho qua ngày đoạn tháng thất nghiệp.