Những nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời mới nhất của Trung Quốc gần đây là một công ty chăn nuôi bò sữa và hãng đồ chơi. Họ là ví dụ về việc nước này chi tiêu quá mức vào tài trợ ngành năng lượng tái tạo, gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung không chỉ ở nội địa mà lan sang châu Âu.
Theo công ty theo dõi dữ liệu OPIS - thuộc sở hữu của Dow Jones, từ đầu năm đến nay tại Trung Quốc, giá polysilicon - vật liệu làm ra các tấm pin mặt trời - đã giảm 50% và các tấm pin hoàn thiện giảm 40%. Đã bắt đầu có lo ngại vỡ "bong bóng xanh", ám chỉ sụp đổ giá thiết bị năng lượng xanh do cung vượt cầu.
BloombergNEF ước tính Bắc Kinh đã chi gần 80 tỷ USD, chiếm khoảng 90% tổng số đầu tư vào sản xuất thiết bị năng lượng sạch toàn thế giới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết tổng chi tiêu hàng năm của nước này cho năng lượng xanh đã tăng hơn 180 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2019.
Tiền tài trợ dồi dào đã thu hút nhiều công ty ngoài ngành nhảy vào. Mùa hè năm ngoái, tập đoàn sữa Royal Group công bố kế hoạch xây nhà máy trị giá 1,5 tỷ USD sản xuất pin mặt trời. "Tiềm năng thị trường là rất lớn", Royal Group đánh giá.
Không chỉ có hãng sữa, theo công ty tình báo dữ liệu InfoLink, hơn 70 công ty niêm yết - từ thời trang, hóa chất, bất động sản đến thiết bị điện - đã gia nhập lĩnh vực năng lượng mặt trời vào năm 2022.
Ví dụ Zhejiang Ming Jewelry điều hành 1.000 cửa hàng trang sức. Hồi tháng 2, họ công bố đầu tư 1,5 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất pin mặt trời. Trước đó, công ty đồ chơi Mubang High-Tech lập liên doanh xây dựng cơ sở sản xuất pin mặt trời 660 triệu USD.
Ồ ạt đầu tư sản xuất gây dư thừa nguồn cung và giá bán lao dốc. Nhiều công ty lâu năm cảnh báo hậu quả có thể rất nghiêm trọng, với nguy cơ thua lỗ hoặc phá sản. "Toàn ngành này đang sắp bước vào vòng đấu loại trực tiếp (knockout)", Longi Green Energy Technology, một trong những công ty sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất Trung Quốc, cho biết trong báo cáo tài chính hồi tháng 8.
Ít nhất 13 công ty, trong đó có các công ty dẫn đầu ngành này ở Trung Quốc như Jinko Solar, Trina Solar và Canadian đã tạm dừng kế hoạch mở rộng công suất, theo công ty tình báo thị trường TrendForce trụ sở tại Đài Loan.
Đồng thời, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang cố gắng xả hàng tồn kho với giá hời đến châu Âu - một trong số ít thị trường lớn không có thuế quan hoặc các rào cản khác đối với nhập khẩu tấm pin. Điều này giúp các nhà phát triển năng lượng mặt trời châu Âu vui mừng nhưng doanh nghiệp sản xuất sở tại thì lao đao.
Pin mặt trời rẻ đến mức đang được bán với giá khoảng một nửa chi phí sản xuất của các thành viên thuộc Hiệp hội sản xuất năng lượng mặt trời châu Âu, theo Tổng thư ký Johan Lindahl. Khoảng 40% số tấm pin sản xuất năm nay bởi các thành viên hiệp hội đang nằm trong kho.
Một nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời ở Na Uy đã phá sản vào tháng 8. Carsten Rohr, Giám đốc thương mại NorSun - đối thủ châu Âu duy nhất còn lại của công ty vừa phá sản, cho hay đã ngừng sản xuất những tuần gần đây vì ế.
Với tình hình này, sự phụ thuộc của châu Âu vào thiết bị năng lượng mặt trời Trung Quốc đang tăng lên, theo Gunter Erfurt, CEO nhà sản xuất pin mặt trời Meyer Burger (Thụy Sĩ). Công ty đã hoãn kế hoạch mở rộng ở châu Âu và chuyển sản xuất đến nhà máy mới ở Mỹ, nơi được nhận trợ cấp lớn của chính phủ.
Châu Âu thành nơi "chịu trận" một phần cũng vì pin mặt trời Trung Quốc khó thâm nhập vào Mỹ và Ấn Độ. Các rào cản của hai thị trường này khiến dự báo tiêu thụ của các nhà sản xuất sai lệch và các tấm pin của họ phải ì ạch nằm ở các cảng và kho hàng. Mỹ đặc biệt khó lường trước việc đe dọa áp thuế chống bán phá giá pin mặt trời Trung Quốc.
Ngoài ra, một phần lý do của dư cung cũng từ châu Âu. Gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch khiến pin mặt trời khan hiếm và giá lên cao. Khi ấy, khách Âu đặt số lượng lớn và nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đánh giá quá cao về nhu cầu, theo Matthias Taft, CEO BayWa r.e., nhà phân phối thiết bị năng lượng mặt trời lớn nhất châu Âu. "Chúng tôi và các công ty khác đã đặt hàng ồ ạt trong nửa cuối 2022", ông thừa nhận.
Các nhà quan sát cho biết việc giải quyết tình trạng dư cung có thể sẽ nhanh hơn dự kiến, vì một số công ty có khả năng hủy bỏ hoặc hoãn kế hoạch mở rộng, trong khi các công ty khác đang đóng cửa các nhà máy cũ để thay bằng nhà máy mới.
Tại Trung Quốc, Liu Yiyang, Phó tổng thư ký Hiệp hội quang điện đang kêu gọi chính quyền địa phương hãm phanh đầu tư công nghệ xanh. Hồi tháng 1, Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến đã đưa ra thư quan ngại đối với Suzhou Shijing Technology, công ty sản xuất thiết bị kiểm soát ô nhiễm. Sở hỏi Shijing huy động 1,5 tỷ USD từ đâu để xây dựng nhà máy, khi tổng tài sản chỉ 450 triệu USD.
Trong thư trả lời, Shijing cho biết 60% vốn sẽ do chính quyền địa phương cung cấp. Trong báo cáo hàng quý mới nhất vào tháng 10, công ty lưu ý rằng đang triển khai dự án này một cách có trật tự.
Phiên An (theo WSJ)