Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VNĐ giảm khoảng 2 điểm % so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) vẫn mong muốn giảm thêm trong bối cảnh sức cầu yếu, kinh tế khó khăn, đặc biệt là lãi suất các khoản vay cũ còn cao.
Được vay nhưng hết hạn mức
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn GP Invest, chia sẻ khoản vay của DN ông đang phải trả lãi suất 9,5%/năm sau giai đoạn lãi suất thả nổi là 10,5%/năm. Trong khi lãi suất huy động bình quân hiện chỉ khoảng 4,6%/năm ở nhóm NH thương mại nhà nước, vì sao lãi suất cho vay vẫn cao vậy?
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh, phản ánh tập đoàn đã được NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) duyệt cấp hạn mức 5.000 tỉ đồng để tiếp tục triển khai các dự án bất động sản dở dang.
Tập đoàn cũng đã lên kế hoạch đưa dòng tiền này triển khai xây dựng và sản xuất - kinh doanh nhưng mới được phê duyệt cho vay khoảng 2.000 tỉ đồng do LPBank đã hết room (hạn mức) cho vay bất động sản. Do đó, ông Cường kiến nghị NHNN có chính sách nới room tín dụng cho những NH tham gia tái cơ cấu thị trường bất động sản theo chủ trương của nhà nước.
"Hiện các nhà thầu thi công, DN cung cấp vật liệu xây dựng cho dự án bất động sản thường chỉ được cho vay vốn lưu động ngắn hạn từ 6-12 tháng là rất khó. Kiến nghị NH cho vay thời gian dài hạn từ 18-24 tháng để không gây áp lực dòng tiền, đổi lại các NH sẽ giám sát và theo dõi sát dòng tiền hiệu quả" - ông Cường nói.
Nhiều DN du lịch cho biết cũng đang gặp khó khăn trong vay vốn tín dụng. Đại diện Hiệp hội Du lịch TP HCM cho biết Thông tư 02/2023/TT-NHNN của NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn nhưng thực tế nhiều DN du lịch đã kiệt quệ, không có khả năng thanh toán gốc và lãi cho NH đúng hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng nên DN đã bị chuyển nhóm nợ.
"Những DN này không được NH xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 dù những yếu tố tác động là bất khả kháng, cần một chính sách hỗ trợ thực tế hơn. Trong khi lãi suất cho vay giảm nhưng các DN rất khó tiếp cận vốn vay và lãi suất vay vẫn còn rất cao. Chúng tôi kiến nghị NH có chính sách hỗ trợ những DN đã chuyển nhóm nợ tiếp tục được cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ" - đại diện Hiệp hội Du lịch TP HCM nói.
Các chuyên gia nhận định tỉ giá hạ nhiệt sẽ góp phần giữ ổn định lãi suất điều hành, từ đó có cơ hội giảm thêm lãi suất cho vay Ảnh: Tấn Thạnh
Ngân hàng, nhà chuyên môn nói gì?
Về phía các NH thương mại, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc NH TMCP Quân đội (MB), cho biết lãi suất cho vay thực tế đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay, trước cả dịch COVID-19. Như tại MB đang cho vay mới khách hàng cá nhân chỉ 7%-8%/năm và cho vay DN khoảng 8%-9%/năm. "Trong bối cảnh lãi suất trên thị trường quốc tế như Mỹ còn rất cao thì việc kỳ vọng lãi suất VNĐ thấp hơn nữa là rất khó" - ông Ánh nói.
Vì sao các NH huy động bình quân lãi suất đầu vào 4,6%/năm nhưng cho vay khoảng 9%/năm? Lãnh đạo MB cho rằng 9%/năm là lãi suất cho vay trung dài hạn, đòi hỏi nguồn vốn huy động phải dài hạn trên 24 tháng bao gồm huy động tiền gửi từ thị trường dân cư, vay tổ chức quốc tế hoặc phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế… với giá vốn bình quân lên tới 6,5%-7%/năm.
"Chưa kể, các NH vẫn còn khó khăn vì các khoản tiết kiệm trung dài hạn trả lãi suất bắt đầu cao từ quý IV năm ngoái, có NH huy động lúc đó từ 9%-10%/năm, dự kiến đến quý II/2024 mới có giá vốn thấp hơn nữa" - ông Ánh nói thêm.
Tuy vậy, đang có một yếu tố góp phần giúp lãi suất "dễ thở" hơn thời gian tới là tỉ giá hạ nhiệt đáng kể. Ngày 14-11, tỉ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 24.020 đồng/USD. Giá USD ở các NH thương mại được giao dịch quanh 24.200 đồng/USD mua vào, 24.540 đồng/USD bán ra, thấp hơn nhiều so với tháng trước.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS), cho biết tỉ giá hạ nhiệt sau khi các NH trung ương thế giới ngừng tăng lãi suất cơ bản. Chỉ số USD (DXY) và lợi suất trái phiếu Mỹ cùng giảm mạnh về mức thấp nhất kể từ cuối tháng 9 đã giúp tỉ giá ở Việt Nam hạ nhiệt.
"Một vài yếu tố vĩ mô tích cực như thặng dư thương mại 10 tháng ước đạt 24,6 tỉ USD, lượng kiều hối dự kiến đạt 14 tỉ USD, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 15,9 tỉ USD... sẽ góp phần giảm áp lực lên tỉ giá vào cuối năm" - bà Trần Khánh Hiền nói.
Theo các chuyên gia, tỉ giá hạ nhiệt sẽ góp phần giúp NHNN có thêm dư địa trong giữ ổn định lãi suất điều hành, từ đó có cơ hội giảm thêm lãi suất cho vay trên thị trường. NHNN cũng đưa ra nhận định với tác động có độ trễ của chính sách sau 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất và những biện pháp điều hành khác, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Phải tuân thủ quy định cho vay
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết hiện nay lãi suất cho vay mới lẫn cũ đều đã giảm nhưng DN thì bao giờ cũng mong muốn lãi suất giảm thêm. Nhưng thực tế không dễ giảm như vậy. Điển hình là lãi suất cho vay bất động sản dài hạn vẫn còn cao là do nhu cầu cao và NH chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, phải tuân thủ quy định về giới hạn an toàn. Sự đổ vỡ của các NH ở Mỹ vừa qua buộc các NH cần đặc biệt lưu ý điểm này để giữ ổn định cho nền kinh tế.
"Nếu hệ thống NH chao đảo, DN cũng không có một môi trường bền vững để hoạt động. Tuy vậy, NHNN đang tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng cần phải tiết giảm các chi phí, ứng dụng công nghệ để có thể hỗ trợ cho các DN, nhất là các DN uy tín, tín nhiệm để vay vốn" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Xem thêm: mth.55681751241113202-gnah-nagn-nov-yav-ohk-nav/et-hnik/nv.moc.dln