Ngày 14/11, Công an tỉnh Khánh Hòa đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố ông Võ Việt Luân (43 tuổi, cựu Phó Giám đốc chi nhánh ngân hàng Sacombank Khánh Hòa, kiêm Trưởng Phòng giao dịch Cam Ranh) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
4 người khác từng làm việc tại Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh, gồm bà Nguyễn Thị Thanh Hà (cựu Phó Phòng giao dịch), Ngô Thị Hồng Nhạn (cựu thủ quỹ), Nguyễn Trà My và Ngô Nữ Hồng Hải (đều là cựu giao dịch viên) cùng bị truy tố tội Tham ô tài sản.
Tiền gửi của khách hàng bị "rút ruột"
Theo kết luận điều tra, trong thời gian giữ chức vụ Phó Giám đốc Chi nhánh kiêm Trưởng phòng giao dịch, Võ Việt Luân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, không tuân thủ quy định trong hoạt động ngân hàng, thông đồng, câu kết, che giấu và tạo điều kiện cho Nguyễn Thị Thanh Hà làm trái quy định trong hoạt động ngân hàng.
Hà đã sử dụng thông tin tài khoản thanh toán và tài khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại Phòng giao dịch Cam Ranh để lập khống hồ sơ, chứng từ rút tiền từ ngân hàng nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân của Luân và Hà.
Sau khi "rút ruột", Luân và Hà chi trả các khoản nợ gốc, lãi phát sinh từ các khoản vay bên ngoài của nhóm 21 khách hàng tại Phòng giao dịch Cam Ranh (do Hà theo dõi) gây thiệt hại cho Ngân hàng Sacombank.
Cụ thể, ngày 15/4/2022, Hà chỉ đạo cho giao dịch viên và thủ quỹ lập chứng từ khống để thực hiện giao dịch nộp tiền mặt vào tài khoản của một số khách hàng trong khi không có khách hàng đến giao dịch và chi tiền trực tiếp cho khách hàng (các khách hàng này đã cho Hà mượn tiền để phục vụ mục đích cá nhân của Hà và Luân).
Đến cuối ngày, Hà không huy động được đủ số tiền theo các chứng từ đã lập dẫn đến quỹ tiền mặt bị thâm hụt, thiếu số tiền 6,59 tỷ đồng vào thời điểm kết chuyển quỹ.
Hà và thủ quỹ báo cáo sự việc cho Luân, nhưng Trưởng phòng giao dịch không báo cáo cấp trên mà đã chỉ đạo giữ kín việc này để Luân tự xử lý.
Sau đó, Hà cho Luân tự vay bên ngoài để bù vào số tiền bị thâm hụt trước đó.
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) cáo buộc mặc dù biết rõ việc làm của Hà là vi phạm pháp luật, nhưng vì phục vụ cho mục đích cá nhân của mình và Hà nên Trưởng phòng giao dịch đã không báo cáo cấp trên, không có biện pháp ngăn chặn mà còn trực tiếp tìm giải pháp khắc phục, che giấu, tạo điều kiện cho cấp dưới tiếp tục vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Ngân hàng Sacombank.
Sau khi được Trưởng phòng giao dịch "bỏ qua", Hà tiếp tục yêu cầu giao dịch viên và thủ quỹ lập, ký chứng từ khống tất toán của nhiều số tiền tiết kiệm của người dân được gửi tại phòng giao dịch để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Theo kết luận điều tra, các sai phạm của 5 cán bộ Phòng giao dịch Cam Ranh gây thiệt hại nghiêm trọng cho Ngân hàng Sacombank với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng.
Không đủ cơ sở để xử lý hành vi chiếm đoạt tài sản
Liên quan đến vụ việc trên, Ngân hàng Sacombank có đơn đề nghị khởi tố Nguyễn Thị Thanh Hà về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến giao dịch vay mượn tiền giữa Hà và khách hàng có tiền gửi tại Sacombank.
Cơ quan CSĐT xét thấy việc vay mượn tiền giữa Hà với khách hàng là giao dịch dân sự, không phải tiền của Sacombank nên không đủ căn cứ xem xét giải quyết trong vụ án này.
Ngoài ra, có 6 cá nhân cũng có đơn đề nghị xử lý Hà về hành vi chiếm đoạt tài sản.
Các cá nhân này trình bày đã cho Hà mượn tiền nhiều lần và ký đầy đủ chứng từ kế toán liên quan, sau khi sự việc sai phạm tại Phòng giao dịch Cam Ranh xảy ra thì họ làm đơn gửi Sacombank nhưng không được giải quyết nên làm đơn tố cáo Hà chiếm đoạt tài sản để đòi lại tiền.
"Các cá nhân này không đưa ra được tài liệu chứng minh việc Hà chiếm đoạt tài sản. Xét thấy việc vay mượn tiền là giao dịch dân sự nên không đủ căn cứ xem xét giải quyết trong vụ án này", kết luận điều tra nêu.