Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết vật thể lạ màu trắng trôi lơ lửng trên bầu trời chính là túi đựng dụng cụ vô tình bị các phi hành gia NASA làm rớt trong lúc thực hiện nhiệm vụ ngoài không gian.
Theo NASA, chiếc túi đã trôi dạt khỏi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong lúc hai nữ phi hành gia Jasmin Moghbeli và Loral O'Hara đang thực hiện việc bảo trì bên ngoài ISS vào ngày 1-11.
Chiếc túi bị rớt hiện đang bay vòng quanh Trái đất, trở thành một “ngôi sao” nhân tạo mới với quỹ đạo riêng biệt.
Ông Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard, chia sẻ trên X (Twitter) rằng chiếc túi này thậm chí đã có tên gọi chính thức. Nó được công nhận như một vật thể nhân tạo tồn tại trên quỹ đạo với mã danh là 58229 / 1998-067WC.
Chuyên gia Dave Dickinson cho biết chiếc túi đựng dụng cụ nói trên có cấp sao biểu kiến là +6, khó nhìn thấy bằng mắt thường nhưng có thể được quan sát bằng ống nhòm chuyên dụng.
Cấp sao biểu kiến được dùng để mô tả độ sáng của một ngôi sao trên bầu trời đêm, thang đo có độ lớn trải dài từ -30 đến +30. Vật thể sáng nhất được gán số nhỏ nhất và ngược lại. Chẳng hạn như trăng tròn có cường độ là -12,6.
Dự kiến chiếc túi sẽ quay trở lại bầu khí quyển Trái đất vào tháng 3-2024. Nó sẽ giảm dần tốc độ, bị đốt cháy trong suốt quá trình rơi và đáp xuống mặt đất.
Đây không phải lần đầu tiên các phi hành gia làm rơi hoặc đánh mất vật dụng trong không gian.
Năm 2008, phi hành gia NASA Heide Stefanyshyn-Piper từng bất lực chứng kiến túi đựng đồ nghề của mình bị trôi đi trong lúc cô đang cố gắng sửa chữa thiết bị của trạm vũ trụ ISS.
Phi hành gia NASA quá cố Piers Sellers cũng làm rơi chiếc thìa ăn vào không gian khi đang thử nghiệm kỹ thuật sửa chữa tấm chắn nhiệt trên phi thuyền STS-121 vào năm 2006.
Một chiếc xe tăng thu nhỏ được NASA chế tạo đặc biệt chỉ để làm nổ lốp tàu vũ trụ. Đây là một trong những minh chứng rõ cho sự sáng tạo của tổ chức này.