Từng từ bỏ công việc chuyên ngành để trở thành tài xế xe công nghệ với hy vọng thu nhập tốt hơn, nhiều tài xế công nghệ, nhất là tài xế xe bốn bánh, cho biết đang tính bán xe để chuyển nghề do thu nhập ngày càng giảm mạnh.
Xe nhiều, thu nhập giảm mạnh
Chống chân dựng xe dưới một gốc cây xà cừ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP.HCM), anh H.V.Hiếu, tài xế chạy app một hãng xe công nghệ, uể oải ngồi lướt mạng. Thi thoảng, anh Hiếu lại vào ứng dụng xe lướt lên trượt xuống rồi ngao ngán thoát ra.
Đã gần một giờ dựng xe ngồi chờ nhưng anh Hiếu vẫn chưa nhận được cuốc xe mới nào.
Từ đầu năm tới nay, thu nhập của anh giảm tới 50%.
"Trước đây tôi chạy 8 tiếng/ngày vẫn dễ dàng kiếm 700.000 - 800.000 đồng, thậm chí cả triệu/ngày nhưng giờ chạy tới 13 - 14 tiếng chỉ kiếm 300.000 - 400.000 đồng, có ngày chỉ được 200.000 đồng", anh Hiếu than và cho biết đang tính kiếm việc làm thêm chứ không chạy Grab toàn thời gian nữa.
Ông T.K., một tài xế xe công nghệ tại khu vực đón xe công nghệ ở sân bay Tân Sơn Nhất, cho rằng mức chiết khấu 25% (bao gồm thuế) trên mỗi cuốc xe khiến giới tài xế gặp rất nhiều khó khăn.
Hơn nữa, khách thường ra khu vực cổng để đón xe thay vì đặt app. Do đó, nhiều tài xế hỏi điểm đến rồi so giá cước trong app để "chào giá" với khách, thỏa thuận chạy ngoài.
"Có khách đồng ý khi mình đưa ra giá hoặc năn nỉ khách ủng hộ để bớt phần chiết khấu với app. Tiết kiệm được vài đồng cũng tốt chứ xăng tăng, giá cước không tăng, tài xế lấy gì mà sống" - ông K. nói.
Khi được hỏi rằng app sẽ định vị theo dõi tài xế khi nhận cuốc ngoài, ông K. cho biết thủ thuật đơn giản là khi so sánh giá, chốt được với khách là tắt định vị, app sẽ không thể tra ra.
Dù vậy, cánh tài xế cho rằng đây chỉ là tạm thời chứ app sẽ nhận biết tài xế không bật app trong một khoảng thời gian sẽ hạn chế phát cuốc. Số cuốc ít sẽ không có khách, tài xế cũng mệt. Tài xế Nguyễn Văn Tuyền (23 tuổi) cho biết số tiền kiếm được từ công việc chạy xe công nghệ đã giảm 1/3 so với trước nên phải cắt giảm chi tiêu mới đủ sống.
Tuy nhiên, Tuyền cho biết không dám nhờ khách hủy chuyến hay nhờ đặt hộ chuyến để lấy điểm thưởng bởi tỉ lệ hoàn thành chuyến cũng là một trong những yếu tố để các tài xế được app phân phối cuốc xe.
"Nếu nhận thấy tài khoản có yếu tố bất thường, ứng dụng sẽ đổ các cuốc xe về ít đi, thậm chí là mất tài khoản", Tuyền giải thích.
Chỉ khổ tài xế
Trong khi đó, các tài xế xe công nghệ và khách hàng đang gánh hàng loạt phụ phí bủa vây trong cuốc xe như phí sử dụng ứng dụng 2.000 đồng/cuốc, phí trung hòa carbon, bảo hiểm 2.000 - 4.000 đồng/cuốc được mặc định trước trong chuyến xe dù khách không có nhu cầu.
Chưa hết, chi phí đặt mua áo, mũ bảo hiểm và tiền "thế chân" với app từ 1,5 - 3 triệu đồng/người để được mở tài khoản, duy trì hoạt động...
Theo đại diện một app công nghệ, bản chất của các app đặt xe công nghệ là đi chung xe, đi nhờ xe để kiếm thêm thu nhập. Khi có quá nhiều người lao vào làm và coi nó là nghề chính sẽ khó đảm bảo thu nhập cao nếu thị trường bão hòa.
"Đây cũng là lý do mà các app mở ra nhiều dịch vụ để tạo thu nhập cho tài xế như giao hàng, chở khách, đi chợ hộ, kinh doanh mỹ phẩm...", vị này nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trung Dũng, đại diện ban quản lý dự án sàn thương mại điện tử quốc gia ECVN (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương), cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào thời kỳ suy thoái, các hãng xe công nghệ cũng không nằm ngoại lệ trong việc phải tối ưu và tìm kiếm thêm các nguồn doanh thu.
Điều này buộc các ứng dụng này - vốn dĩ đi theo hướng super app (siêu ứng dụng) - càng có động lực phát triển thêm các sản phẩm như vận tải hàng hóa, tài chính, đặt đồ ăn, thương mại điện tử, liên kết... dựa trên cơ sở dữ liệu lớn về người dùng. Về cơ bản, những hoạt động này đều đúng pháp luật và được Nhà nước cho phép triển khai.
"Nhưng đâu đó vẫn còn một số hoạt động mà các doanh nghiệp này lợi dụng kẽ hở từ luật, chính sách như bán bảo hiểm (không đăng ký với cơ quan chức năng), thu phụ phí ngoài... Các hoạt động này cần được theo dõi và sớm điều chỉnh trong tương lai bởi các cơ quan chức năng có liên quan", ông Dũng nói.
Khi số lượng xe tham gia lĩnh vực gọi xe công nghệ tăng lên cùng với việc tham gia thị trường này của các hãng xe điện, chi phí đặt xe sẽ bị giảm xuống để tăng tính cạnh tranh.
"Tuy nhiên, nếu các hãng xe công nghệ giảm giá thêm nữa sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động vận tải hành khách vốn đang thiếu dư địa trong việc hạ giá thành", ông Dũng nói.
Mô hình gọi xe công nghệ vẫn còn nhiều dư địa?
Theo ông Lê Trung Dũng, các ứng dụng gọi xe công nghệ thường có mức chi phí thấp hơn so với dịch vụ truyền thống. Đa số các cuốc xe qua ứng dụng đều rẻ hơn khoảng 10 - 30% so với taxi truyền thống tùy theo từng điều kiện.
Nhưng trong từng thời điểm, chi phí đặt xe qua các ứng dụng công nghệ có thể điều chỉnh, thậm chí cao hơn 2-3 lần so với taxi truyền thống. "Dù vậy, các mô hình gọi xe công
nghệ vẫn còn khá nhiều dư địa để phát triển, nhất là khi nhu cầu sử dụng xe công nghệ
ngày càng tăng của giới trẻ ở các thành phố
lớn. Nhiều người trẻ có xu hướng lựa chọn xe công nghệ, phương tiện giao thông công cộng thay cho việc sở hữu phương tiện cá nhân", ông Dũng nói.
Các app xe công nghệ: Grab, Be, Baemin bỏ phụ thu phí, tăng thưởng với tài xế dịp lễ 30-4. Khách hàng đặt xe không phải chờ đợi lâu, tài xế phấn phởi tranh thủ "cày" thưởng.