Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng đặt mục tiêu xây dựng 400.000 ngôi nhà mới mỗi năm. Nhưng hai năm vụt trôi qua, ngành xây dựng của Đức dường như đang lung lay, gây áp lực lên các mục tiêu chới với của ông cũng như nền kinh tế chung của cả nước.
Tuần trước, Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo công bố một báo cáo cho thấy các công ty đang huỷ bỏ các dự án xây dựng khu dân cư khi số lượng người đặt mua nhà ngày càng giảm và triển vọng ngành có vẻ ảm đạm.
Kỷ lục hơn 22% công ty được khảo sát ghi nhận huỷ bỏ các dự án xây dựng khu dân cư ở Đức vào tháng 10. Trong khi đó, lượng đơn đặt nhà mới giảm 48,7% so với tháng trước và giảm 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kỳ vọng vào ngành xây dựng khu dân cư giảm xuống mức “đặc biệt thấp”. Và đây không phải là dữ liệu duy nhất gây lo ngại.
Kết quả cuộc khảo sát của Ngân hàng Thương mại Hamburg cho thấy, chỉ số PMI xây dựng mới nhất tại Đức chạm đáy 3 năm rưỡi với mức 38,3 điểm.
Trong thông cáo báo chí, nhà kinh tế trưởng Cyrus de la Rubia tại Ngân hàng Thương mại Hamburg cho biết: “Lĩnh vực xây dựng của Đức ngày càng trở nên xấu đi. Lĩnh vực nhà ở là tâm điểm của cuộc suy thoái, lao dốc với tốc độ chóng mặt”.
Ngoài ra, dữ liệu về giấy phép xây dựng cũng vẽ ra một bức tranh ảm đạm. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, từ tháng 1 đến tháng 8, số giấy phép xây dựng được cấp ít hơn 28,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Dữ liệu cho thấy chỉ có 175.500 giấy phép được cấp trong 8 tháng đầu năm. Con số này cho thấy chính phủ Đức đang dần trượt mất mục tiêu xây dựng 400.000 ngôi nhà mới. Nhà kinh tế trưởng của Đức Carsten Brzeski tại ING cho rằng chưa đến 250.000 căn nhà được xây dựng trong năm nay.
Nạn nhân đầu tiên của lãi suất tăng cao
Nhà kinh tế trưởng Brzeski cho biết lãi suất tăng cao là nguyên nhân chính khiến lĩnh vực này đi xuống.
“Ngành xây dựng là nạn nhân đầu tiên của lãi suất tăng cao”, ông nói. Đồng thời, ông chỉ ra giá vật liệu, năng lượng cũng như những chi phí tổng thể là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy sụp.
Giống như nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất để giảm bớt áp lực lạm phát. Sau chuỗi 10 lần tăng liên tiếp, ECB giữ nguyên lãi suất ở mức 4% trong cuộc họp tháng trước.
Klaus Wohlrabe, người đứng đầu cuộc khảo sát của Ifo, cho biết việc cắt giảm trợ cấp xây dựng nhà ở cũng gây thêm áp lực. Tất cả những yếu tố nêu trên khiến nhiều người không thể xây nhà.
Tin không vui cho nền kinh tế
Theo các chuyên gia, tình hình hiện tại mới chỉ là khởi đầu.
Ông Brzeski giải thích rằng năm tới sẽ còn khó khăn hơn, khi tất cả các đơn đặt hàng đều trống. Các nhà phát triển sẽ chỉ còn lại những dự án chi phí cao mà nhu cầu thì thấp.
Klaus Wohlrabe đồng tình rằng năm 2024 có thể sẽ còn khốc liệt hơn. Hiện các doanh nghiệp đang dựa vào đơn tồn đọng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa sản lượng xây dựng và đơn đặt ngày càng lớn. Điều này có nghĩa là khả năng sụt giảm năm 2024 sẽ càng cao.
Là một ngành chiếm 7% GDP Đức, sự sụt giảm của lĩnh vực xây dựng có thể gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế.
Chưa kể đến vấn đề này thì nền kinh tế Đức đã chồng chất nhiều lo ngại, sau khi nước này rơi vào suy thoái kỹ thuật quý đầu tiền năm 2023. Trong dự báo gần đây nhất, Ủy ban Châu Âu dự kiến hoạt động kinh tế của Đức sẽ suy giảm trong năm nay sau đó mới tăng trở lại vào năm 2024.
Nhà kinh tế trưởng Brzeski lưu ý rằng thị trường việc làm cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những rắc rối trong lĩnh vực xây dựng nhà ở.
Tuần trước, chính phủ liên bang Đức đã công bố các biện pháp mới nhằm đẩy nhanh quá trình lập kế hoạch và cấp phép cho công trình xây dựng. Ngoài ra, họ cũng công bố hỗ trợ tài chính cho các công ty phải chịu chi phí điện cao.
Song, các chuyên gia không hoàn toàn tin rằng các biện pháp này sẽ xoa dịu được cuộc khủng hoảng xây dựng nhà ở mà nước Đức đang vấp phải.
Tham khảo CNBC