Ngày 16-11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai nghị định 75 về quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Chia sẻ tại hội nghị, hàng loạt bệnh viện, sở y tế kiến nghị về việc chưa được quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, gây khó khăn cho các bệnh viện.
Trong đó, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Định cho hay hiện số tiền khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt tổng mức chưa quyết toán tại địa phương này là 42 tỉ đồng. Còn tại Cần Thơ, Sở Y tế tỉnh cũng cho hay còn 10 tỉ chưa quyết toán. Bệnh viện Trung ương Huế số tiền bảo hiểm y tế chưa quyết toán là 57 tỉ đồng.
Theo thống kê sơ bộ của bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố, tổng số tiền Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa quyết toán cho các cơ sở khám, chữa bệnh là hơn 7.000 tỉ đồng.
Trước đó, nhiều bệnh viện cũng cho hay việc chậm quyết toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khiến các bệnh viện chậm trễ trong việc chi trả các gói thầu vật tư y tế, thuốc, … dẫn đến các nhà thầu cung ứng nhỏ giọt, chậm cung ứng. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh tại các bệnh viện.
Trao đổi tại hội nghị, ông Trần Văn Thuấn, thứ trưởng Bộ Y tế, đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm thanh toán mức tồn đọng vượt dự toán của các cơ sở y tế từ năm 2019 đến nay. Từ đó, các bệnh viện an tâm điều trị cho bệnh nhân và chuyển sang thực hiện quy định về thanh toán bảo hiểm y tế theo nghị định mới.
Ông Lê Văn Phúc - phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) - cho hay theo quy định của nghị định 75, các chi phí vượt tổng mức thanh toán xác định theo nghị định 146 từ năm 2019, năm 2020 và năm 2022 sẽ được rà soát để thanh toán lại. Năm 2021, thực hiện nghị quyết 144, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện thanh toán đối với chi phí vượt tổng mức.
"Đối với 3 năm còn lại, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh rà soát, tổng hợp, đánh giá, giám định để tiến hành thanh toán cho các cơ sở khám chữa bệnh. Theo thống kê sơ bộ, số tiền vượt tổng chi khoảng 7.000 tỉ trong 3 năm. Chúng tôi đang đôn đốc thực hiện, đảm bảo đến năm 2023 sẽ thực hiện thanh toán theo quy định", ông Phúc nêu rõ.
Bỏ quy định tổng mức thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Theo ông Thuấn, nghị định 75 đã có thay đổi quan trọng trong việc quy định về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Nghị định đã bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng từ 1-1-2019.
Đồng thời, quy định việc giao dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thực hiện thông báo số dự kiến chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tới cơ sở khám chữa bệnh để làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm, nhưng không áp dụng làm căn cứ tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của cơ sở khám chữa bệnh trong trường hợp vượt số dự kiến chi.
"Quy định này giúp các bệnh viện không phải lo lắng về vượt tổng mức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trước đây bên cạnh tính toán phác đồ điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ cũng phải dành nhiều thời gian để không vượt tổng chi bảo hiểm y tế.
Với quy định mới này, các cơ sở y tế có thể an tâm điều trị cho người bệnh, không cần cân đo sợ vượt định mức được giao", ông Thuấn nói
Ông Phúc cũng cho hay việc bỏ tổng mức thanh toán bảo hiểm y tế không có nghĩa các bệnh viện thoải mái lựa chọn chỉ định các vật tư, thuốc bảo hiểm y tế đắt tiền. Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Y tế triển khai hướng dẫn các cơ sở y tế, nếu những chi phí đó đã đảm bảo hiệu quả, phù hợp, sau khi giám định sẽ là những chi phí được thanh toán.
UBND TP.HCM cho biết khả năng trong năm 2023 thành phố sẽ vượt dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được giao, tuy nhiên cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo quyền lợi người bệnh.