Theo số liệu của Financial Times, gần 75% tổng lượng dầu thô bằng đường biển của Nga được vận chuyển mà không có bảo hiểm và các quan chức cho biết con số tàu hoạt động tuân thủ dưới mức trần hiện nay có thể sẽ thấp hơn nhiều.
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho hay mức giá trần mà các nước G7 áp đặt đối với dầu Nga không còn tác dụng như dự kiến. Bà cho rằng dù có các hạn chế, Nga vẫn duy trì được khối lượng xuất khẩu dầu với giá ở mức cao.
Các quan chức châu Âu cũng đang xem xét cách thức để củng cố giới hạn giá, bao gồm các lựa chọn nhằm hạn chế quyền tiếp cận của Nga vào thị trường tàu chở dầu đã qua sử dụng.
Mối lo ngại của phương Tây càng tăng lên khi số liệu thống kê chính thức của Nga cho thấy, giá bán dầu mỏ trung bình trên 80 USD/thùng.
Giá dầu xuất khẩu của Moscow tăng vọt đã "giáng đòn mạnh" vào nỗ lực của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhằm hạn chế nguồn vốn chảy vào Nga.
Mặc dù doanh thu từ việc bán dầu và khí đốt của Nga trong tháng 1 giảm 46% so với cùng kỳ xuống còn 426 tỷ rúp (khoảng 116 tỷ đồng) sau khi phương Tây áp giới hạn giá dầu. Tuy nhiên, kể từ đó, doanh thu của Nga đã tăng đáng kể.
Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Nga, doanh thu từ dầu khí của nước này đạt 1.635 tỷ rúp (khoảng 447.000 tỷ đồng) trong tháng 10, tăng gấp đôi so với tháng trước và tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chia sẻ với Financial Times, quan chức cấp cao của châu Âu thừa nhận Nga đã thành công trong việc vượt qua giới hạn trần giá dầu.
"Dữ liệu mới nhất cho thấy chúng tôi sẽ phải cứng rắn hơn và không để Nga tiếp tục làm điều này", vị này cho hay.
Xem thêm: mth.21780535161113202-yat-gnouhp-auc-cul-on-oav-nod-gnaig-agn-uad/hnaod-hnik/nv.moc.irtnad